Tiết đọc thư viện giúp học sinh đến gần sách hơn

18/10/2024, 06:09

Để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh cũng như góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của thư viện, đặc biệt ở các trường tiểu học hiện nay, nhiều mô hình thư viện ra đời nhằm mang sách đến gần hơn với bạn đọc.

Có thể kể đến các mô hình như thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lưu động… và gần đây là thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read đã có một bước tiến đột phá tạo nhiều hứng thú cho giáo viên và học sinh trong việc hình thành, và nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

tiet-doc-2.jpg

Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read là gì?

Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read có nhiều khác biệt rõ nét với thư viện truyền thống, thư viện xanh, thư viện thân thiện trước đây. Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read có không gian thoáng, thư viện được trang trí bằng những hình ảnh gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với thị hiếu của học sinh từng cấp.

Thư viện được bài trí, sắp xếp theo hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách một cách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc của từng khối lớp.

Thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo... Sách được đánh dấu theo 6 mã màu tương ứng với trình độ đọc của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Thư viện có nhiều kệ sách được thiết kế mở, có nhiều ngăn, kê ở tầm thấp cho học sinh dễ lựa chọn… Các kệ sách cũng được đánh dấu theo mã màu tương ứng với mã màu của từng loại sách.

Bàn trong thư viện được thiết kế thấp, gọn nhẹ, dễ di chuyển. Nền nhà được lót các thảm xốp. Học sinh được ngồi bệt xuống nền khi tham gia hoạt động. Ngoài ra, thư viện còn có bàn của thủ thư, của giáo viên được bố trí gần với học sinh nhằm tạo ra sự gần gũi, thân thiện với các em.

Ngoài ra, thư viện còn dành một góc cho học sinh trưng bày sản phẩm của mỗi học sinh sau khi các em thực hiện hoạt động viết, vẽ về câu chuyện vừa đọc.

Tiết đọc thư viện đã đưa vào chương trình học chính khóa

Điểm khác biệt lớn nhất của Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read so với nhiều mô hình thư viện khác còn thể hiện ở nội dung tiếp cận sách của học sinh. Tiết đọc thư viện ở mô hình này đã được đưa vào chương trình học chính khóa.

Đó là, mỗi tháng mỗi lớp sẽ có 2 tiết đọc được tổ chức dạy tại thư viện theo kế hoạch dạy học của nhà trường. Ngoài giáo viên tổ chức hướng dẫn học còn có thêm sự góp mặt của cán bộ thư viện.

Sẽ có tiết đọc thư viện thứ nhất, hướng dẫn học sinh về nội quy thư viện và cách tìm sách theo mã màu.

Tiết đọc thu viện thứ hai, hướng dẫn học sinh về quy trình mượn, trả và cách bảo quản sách.

Có nhiều hình thức đọc như đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân… cũng có nhiều hoạt động mở rộng như thảo luận sách, viết và vẽ, sắm vai… giúp cho mỗi tiết đọc thêm sinh động và hấp dẫn hơn.

Phát triển tư duy đọc và cảm thụ tác phẩm

Sau tiết học cuối cùng của buổi sáng, giáo viên của Trường tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi đã được tham dự tiết đọc to - nghe chung do cô giáo Nguyễn Thế Kim Thảo cùng các em học sinh lớp 3A thực hiện.

Trước đó, các thầy cô giáo đã được tập huấn phần lý thuyết và tham dự nhiều tiết dạy của đồng nghiệp nhưng đây mới thật sự là tiết học đầu tiên thầy cô được tương tác cùng học sinh một cách trực tiếp.

Mở đầu tiết dạy, học sinh được sắp xếp ngồi quây quần quanh giáo viên. Sau khi, giáo viên cho học sinh nhắc lại nội quy thư viện, khéo léo giới thiệu bài đọc. Trước khi vào nội dung chính, giáo viên cho học sinh xem tranh để trả lời những câu hỏi trước khi dẫn dắt vào bài.

Nhiều cánh tay giơ lên để được trả lời theo suy nghĩ cảm nhận của riêng mình. Những phán đoán tiếp theo về câu chuyện...

Tiếp đến là phần đọc của giáo viên. Ngoài sự hấp dẫn của câu chuyện được chọn, giáo viên đọc đã thể hiện được sự truyền cảm trong từng câu chữ, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với từng nhân vật của câu chuyện.

Cứ sau một đoạn, cô giáo lại dừng lại và đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Những câu hỏi gợi mở, câu hỏi dẫn dắt, câu hỏi phỏng đoán càng gây thêm sự tò mò, hứng thú cho các em.

Sau mỗi câu chuyện, bằng sự dẫn dắt khéo léo của giáo viên, học sinh đã rút ra được bài học cho mình.

Gây bất ngờ nhất là phần hoạt động mở rộng với hình thức viết, vẽ. Cứ ngỡ hoạt động này sẽ rất khó đối với các em. Tuy nhiên, nhiều em đã cảm nhận và thể hiện nội dung câu chuyện rất tốt bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh nhưng đáng yêu của mình.

“Con rất thích học tiết đọc thư viện vì đã giúp cho con được nghe nhiều câu chuyện hay và được vẽ ra những nhân vật con yêu thích”, Minh Khang đã trả lời khi được hỏi.

Thông qua những tiết đọc thư viện có hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn cái hay cái đẹp về nội dung, hình thức. Ngoài ra, các em còn được mượn sách về nhà đọc. Điều này, không chỉ lan tỏa văn hóa đọc đối với người thân trong gia đình mà còn góp phần hình thành thêm thói quen đọc sách ở mỗi học sinh.

PHAN TUYẾT

Related articles

Trường Đại học Phan Thiết khai giảng năm học mới 2024 -2025
BTO-Sáng nay (11/10), Trường Đại học Phan Thiết (ĐHPT) long trọng tổ chức lễ tổng kết năm học 2023-2024 và khai giảng năm học mới 2024-2025. Dự lễ khai giảng có ông Phạm Văn Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Thiết; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng cán bộ, giảng viên và 742 tân sinh viên niên khóa 2024-2025.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiết đọc thư viện giúp học sinh đến gần sách hơn