Tham gia lớp học, ngư dân được trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ của người đảm nhiệm chức trách máy trưởng, thuyền trưởng trên tàu có chiều dài từ 15 đến dưới 24m, kiến thức cơ bản về sửa chữa, vận hành máy tàu cá... Bên cạnh đó, các học viên còn được bồi dưỡng thêm các kiến thức mới về pháp luật như: Luật Thủy sản 2017, các Hiệp định, thỏa thuận về Hợp tác khai thác thủy sản, phân định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; Luật Biển Việt Nam; kiến thức về chống khai thác IUU và các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan…
Sau 10 ngày đào tạo, học viên sẽ trải qua kỳ thi lý thuyết và thực hành tác nghiệp trên bản đồ, đạt kết quả sẽ được cấp chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để ngư dân có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả khi khai thác trên biển.
Được biết, thời gian qua trong quá trình kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một số các phương tiện còn thiếu các thủ tục giấy tờ, đặc biệt là chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định. Thực tế trên đã gây khó khăn trong công tác kiểm soát của lực lượng chức năng, cũng như việc tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển lao động phát triển kinh tế. Do đó, việc mở các lớp đào tạo này sẽ giúp ngư dân có đủ trình độ và chứng chỉ để vươn khơi. Qua khóa học, ngư dân còn được truyền đạt nhiều kiến thức và kinh nghiệm khai thác cũng như các kỹ năng cần thiết để ứng biến, phòng tránh rủi ro trên biển, đảm bảo an toàn tàu cá, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.