Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian qua các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, tập trung triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm đẩy mạnh. Tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác đăng ký tàu cá theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT cơ bản đạt tiến độ yêu cầu (đạt 95,3%). Đến nay, có 2.323/2.468 tàu cá được đăng ký, đạt 95,3% tổng số tàu tàu cá “3 không” đã công bố, còn lại 134 hồ sơ tàu cá đang tiếp tục thực hiện (trong đó, huyện Tuy Phong 65 tàu; huyện Bắc Bình 2 tàu cá; TP. Phan Thiết 6 tàu cá; huyện Hàm Thuận Nam 3 tàu cá; TX. La Gi 54 tàu cá; Hàm Tân 2 tàu cá; Huyện Phú Quý 4 tàu cá).
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và kiểm soát sản lượng lên bến, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) được thực hiện thường xuyên. Tổ giám sát tàu cá tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc tại Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh. Từ đầu năm đến nay, có 1 lượt/1 tàu cá vượt ranh giới (đã kêu gọi kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam); 164 lượt/164 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, đã phát hành 21 thông báo, xử phạt 24 tàu, xác minh 96 tàu; 1.381 lượt/597 tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển, đã phát hành 361 thông báo, xác minh 214 tàu. Tiến độ thực hiện các thủ tục sửa chữa, khắc phục hạ tầng cảng cá được tập trung thực hiện, có hạng mục đã khởi công. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, đã xử phạt vi phạm hành chính là 481 vụ/ hơn 4,4 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, thành viên BCĐ cũng phân tích những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục. Số lượng tàu cá đã đăng ký nhưng chưa thực hiện cấp/cấp lại Giấy phép KTTS còn nhiều. Đến nay, vẫn còn 1.084 tàu cá chưa thực hiện thủ tục để cấp, cấp lại giấy phép. Công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cố gắng, nhưng số liệu thống kê chưa đảm bảo độ tin cậy, nhiều tàu vi phạm IUU cập cảng chưa được xử lý đã ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp. Công tác xử lý vi phạm hành chính, nhất là xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên biển rất ít. Việc mua bán, sang nhượng tàu cá trong tỉnh khó kiểm soát…
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ chống khai thác IUU đạt kết quả. Đây là tháng cao điểm để hoàn thành những công việc còn tồn đọng, do đó đề nghị các sở, ngành, các địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Đối với tàu “3 không”, các ngành, địa phương cần phối hợp đồng bộ, nỗ lực để hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho số tàu còn lại trước 20/11. Đồng thời khẩn trương rà soát, thống kê tàu cá “3 không” phát sinh trước ngày 6/5/2024 gửi về Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh công bố bổ sung để giải quyết dứt điểm theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT. Đối với những tàu mất kết nối VMS trên 6 giờ nhiều lần, yêu cầu theo dõi sát sao, xác minh và kịp thời xử lý, những trường hợp phát sinh trong tháng 11 phải xử lý dứt điểm trong tháng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương cần thay đổi cách làm, thực hiện quy trình đơn giản hơn để hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác, hoàn thành thủ tục cấp giấy cam kết an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn thiếu, để việc truy xuất nguồn gốc thủy sản được thuận lợi. Liên quan đến công tác xóa bộ tàu cá, việc lắp thiết bị VMS không thuộc danh sách 3 đơn vị do Tổng cục Thủy sản mới công bố, ngư dân sẽ không được hưởng cước phí hỗ trợ, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm giải quyết vướng mắc…