Vài nét về cảm hứng phồn thực trong văn học trung đại

29/11/2024, 05:53

Trong kho tàng văn hóa dân gian, phồn thực mang yếu tố tín ngưỡng thiêng liêng. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: Phồn là tốt, nhiều; thực là đầy đủ. Phồn thực nghĩa là nảy nở ra nhiều. Việc thờ cúng trong tín ngưỡng phồn thực là hướng đến sự sinh sản để duy trì và phát triển nòi giống. Hình tượng cụ thể để thờ là: Linga và Yoni; Biểu tượng về sinh thực khí; Sinh thực khí nam nữ và hành vi giao phối.

Người Việt cổ, từ ý nghĩa sinh sôi nảy nở, tín ngưỡng phồn thực là một sinh hoạt của đời sống tâm linh gắn kết với tín ngưỡng nông nghiệp. Họ tin rằng hành động giao hợp của con người sẽ tác động sang cảm hứng muôn loài, làm cho nông nghiệp – vật nuôi, cây trồng cũng tăng sinh sôi, đem lại cơm no áo ấm. Thế nhưng những biểu tượng giao hợp để duy trì nòi giống cũng như những chi tiết phòng the lại bị che đậy. Đến từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, các bậc thi nhân cảm hứng phồn thực lại trỗi dậy trong sáng tác của họ, giống như thời văn hóa phục hưng ở châu Âu thế kỷ XIV – XVII.

2492020huyen24pg.jpg

Trong Chinh phụ ngâm, Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn (1705 – 1745) là nỗi buồn cô đơn khi vắng bóng đàn ông, là tiếng lòng phụ nữ khát khao lứa đôi khi phải xa chồng. “Những mong cá nước cùng nhau,/ Nào ngờ mây nước bóng đâu cách vời”. Đó là phản ứng về sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên chính đáng của con người: “Phác phong lưu đương chừng niên thiếu/ Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên”. Thế nhưng cái thời thiếu niên tươi trẻ của người con gái rơi vào cô đơn quạnh vắng, để tàn phai: “Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở, / Tiếc quang âm lần lữa gieo qua./ Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa!/ Gái tơ mấy chốc mà ra nạ giòng”. Một nỗi buồn bất hạnh mang đậm triết lý nhân sinh.  

Đến nhà thơ Hồ Xuân Hương (1735 - ?), biểu tượng phồn thực gần như ám ảnh trong sáng tác nữ sĩ. Nhìn sự vật luôn thấy cựa quậy khuấy động hướng về bóng hình phồn thực, nhìn Đèo Ba Dội thấy: “Cửa son đỏ hoét tùm lum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu,/ Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,/ Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo”. Những hình ảnh nhằm ca ngợi nét đẹp hấp dẫn của người phụ nữ, từ cái bánh trôi nước đến quả mít, thiếu nữ ngủ ngày: “Yếm đào trễ xuống dưới nương long./ Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm”. Hay cái quạt trong mắt nữ sĩ: “Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,[…] Chành ra ba góc da còn thiếu,/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa... Đến sinh hoạt đánh đu trong các lễ hội: […] Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song.”. Hình ảnh thơ luôn gắn liền bóng dáng cơ quan sinh sản, đến chuyện buồng the như cái giếng, cái cọc, dùi trống… Nỗi niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi khi gặp bất công, nữ sĩ bản lĩnh vung gươm chém toạt vào cái phong tục xã hội đương thời: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) có lẽ là người mở đầu lên tiếng về khát vọng thỏa thích hiển nhiên của người cung nữ: “Kìa điều thú là loài vạn vật./ Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng./ Có âm dương, có vợ chồng,/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”. Thế nhưng với những mỹ nhân bị đưa vào hậu cung, không phải ai cũng được đáp ứng khát vọng lứa đôi. Nhiều người nằm đó mà chờ: “Trong cung quế âm thầm chiếc bóng/ Đêm năm canh trông ngóng lần lần”, nhưng chúa xuân nào có đến, đành chịu đựng thiệt thòi buông xuôi thân phận: “Thôi thôi, ngoảnh mặt làm thinh/ Thử xem con Tạo gieo mình nơi nao”. Trước những bất bình với khao khát sinh lý không được đáp ứng, cung nữ muốn vùng lên đập phá để đi tìm cảm xúc lứa đôi cho mình: “Dang tay muốn dứt tơ hồng/ Bực mình muốn đạp khuê phòng mà ra”.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du (1766 – 1820) không tiếc lời ngợi ca nét đẹp khỏa thân của Thúy Kiều: “Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Nhà Nho không né tránh chủ đề tình dục, để Tú Bà dạy cho Thúy Kiều thuật bán phấn buôn hương: “Này con thuộc lấy làm lòng/ Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”. Nhà Nho đa tình Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), sẵn sàng thừa nhận hành vi của mình khi cô đào hát Hiệu Thư nhắc lại: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng?”. Đến cụ Nguyễn Khuyến cũng không e dè viết về Vũng lội làng Ngang chừng như trần trụi: … “Đàn bà đến đó vén quần lên,/ Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối./ Ông cuội ngồi trông mỉm miệng cười:/ “Cái gì trông trắng như con cúi?”/ Vội vàng khép nép đứng, liền thưa:/ “Trót dại hở hang xin xá tội!”/ Ông rằng: “Mày cũng chẳng tội gì,/ Chỉ tội làm ông cứng con buội!/ Muốn tốt mày về bảo làng mày,/ Ra đây ông cho giống ông Cuội”… Nhà thơ trào phúng Tú Xương (1870 – 1907) cũng thừa nhận với đời làm thằng đàn ông không ai tránh khỏi: “Một trà một rượu một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta/ Chừa được thứ nào hay thứ ấy/ Có chăng chừa rượu với chừa trà”.

Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực xuất hiện rất sớm trong đời sống dân gian người Việt, vừa mang yếu tố văn hóa hành lạc, đến giữa thế kỷ XVIII trở đi, sức sống bền vững ấy trỗi dậy in đậm nét trong thơ ca Việt Nam. Đây là đề tài được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Anh Đoàn Minh Tâm được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn
BTO-Sáng ngày 27/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh đoàn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 về thực hiện công tác nhân sự.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài nét về cảm hứng phồn thực trong văn học trung đại