Ngoài sự hình thành mạng lưới cảng biển, nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Kết nối các cảng biển
Bình Thuận có chiều dài 192 km bờ biển, là 1 trong 3 ngư trường có sản lượng khai thác hải sản của cả nước. Với thế mạnh về biển, trong những năm qua, tỉnh đã, đang đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế biển và giao thông hàng hải. Theo đó, việc đầu tư nâng cấp các cảng biển của tỉnh cơ bản theo quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và cạnh tranh quốc tế của đất nước và của tỉnh.
Bình Thuận hiện có Cảng Phú Quý: Là cảng tổng hợp được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh (bến cập tàu, kè bờ, đê chắn sóng, kho bãi...), phục vụ cho nhu cầu vận tải và hậu cần nghề cá, là cửa ngõ chính nối huyện đảo với đất liền. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức thi công cải tạo đê chắn sóng Cảng Phú Quý (định hướng đến năm 2030, nâng cấp công suất Cảng Phú Quý tiếp nhận tàu 5.000 DWT, kết nối với Cảng Phan Thiết và Cảng Vĩnh Tân).
Cảng Phan Thiết.
Đê chắn sóng tại Cảng Phú Quý đang được thi công cải tạo
Cảng Vận tải Phan Thiết được đầu tư theo phương thức xã hội hóa, đã hoàn thành các hạng mục phục vụ tiếp nhận tàu khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý, đi vào hoạt động từ tháng 2/2018 gồm 2 bến tàu hàng 1.000 DWT và 2 bến tàu khách. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã đưa vào khai thác 2 bến tàu, trong đó: Bến cập tàu 3.000 DWT bắt đầu khai thác từ tháng 4/2017 và bến 50.000 DWT khánh thành tháng 4/2019, tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT. Riêng bến Cảng Sơn Mỹ đang trong giai đoạn đầu tư, mới đây UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Cảng có chức năng phục vụ trực tiếp Khu công nghiệp Sơn Mỹ, tổng kho LNG Sơn Mỹ và Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ. Tại đây có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp nhu cầu tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu khách quốc tế. Dự án khi triển khai sẽ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, đặc biệt qua các hoạt động kinh doanh liên quan đến phát triển ngành khí hóa lỏng LNG. Đặc biệt dự án sẽ giúp bảo vệ môi trường với nguồn năng lượng sạch, an toàn, linh hoạt và đưa ra các giải pháp năng lượng hiệu quả với chi phí hợp lý đến các cá nhân và tổ chức Việt Nam có nhu cầu cao về năng lượng.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Vĩnh Tân. Ảnh: Đ.Hòa
Hiện đại đội tàu vận chuyển
Cùng với đó Bình Thuận đã hình thành, phát triển đội tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa đất liền và đảo Phú Quý theo hướng hiện đại. Các đội tàu được đầu tư với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, an toàn, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo thông suốt; nhiều tàu thường xuyên có phương án đảm bảo khả năng kết nối với đất liền trong trường hợp thời tiết xấu dài ngày. Được biết, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các phương tiện vận tải trên tuyến này để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, du khách. Hiện nay mỗi ngày có các chuyến gồm cả lượt ra Phú Quý và vào Phan Thiết, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.
Tàu dịch vụ hậu cần tại Cảng Vận tải Phan Thiết
Trên tuyến vận tải thủy từ Phan Thiết ra đảo Phú Quý đang hoạt động 5 tàu cao tốc gồm: Superdong - Phú Quý I, Superdong - Phú Quý II, Phú Quý Express, Tuần Châu Express II, Trưng Trắc; sức chuyên chở của các tàu từ 250 đến gần 600 khách. Bên cạnh đó có 4 tàu hàng gồm: Tuấn Tú 45 (872,5 tấn), Quản Trung (482,5 tấn), Quản Trung 02 (482,5 tấn), Bình Minh 79 (909,8 tấn) và 2 tàu dịch vụ hậu cần gồm Quốc Khang, Phú Quý 16 cùng các tàu khác. Với việc xã hội hóa giao thông đường thủy, đầu tư tàu khách, tàu hàng hiện đại nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, du khách đã được rút ngắn thời gian. Việc kết hợp Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Phú Quý đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp tháo “điểm nghẽn” về giao thông đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Có thể nói tiềm năng phát triển giao thông hàng hải của Bình Thuận là tương đối lớn, một khi được xây dựng, quy hoạch, vận hành, khai thác tốt thì việc trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển là điều có thật.