Thước đo của sự văn minh

08/11/2022, 08:45

Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành và thừa nhận, đảm bảo thực hiện, điều chỉnh các quan hệ xã hội, áp dụng trên phạm vi cả nước với mọi chủ thể. Đây chính là yếu tố tạo nên sự công bằng bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu ai đó có hành vi chống đối, làm trái quy định của pháp luật sẽ bị chế tài, cưỡng chế.

Trong nhà nước pháp quyền Việt Nam ta, Hiến pháp và Pháp luật giữ vị trí “tối thượng” trong điều chỉnh các quan hệ, của tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Chính điều đó, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Điều này đồng nghĩa với việc Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, gắn liền với kỷ luật, kỷ cương.

img_20221013_172123.jpg
 Cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành khởi tố bắt tạm giam đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác ở thị xã La Gi

Chính vì những điều trên, tinh thần “thượng tôn pháp luật” luôn được đề cao nên pháp luật luôn có vị trí quan trọng trong đời sống - xã hội. Để vai trò của pháp luật được phát huy, những năm qua các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương rất coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với các vấn đề xã hội mới phát sinh, nhằm “luật hóa” để hướng dẫn thực thi, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Điều đó thể hiện trong các kỳ họp Quốc hội, bên cạnh quyết sách những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, việc thảo luận các dự án luật mới, sửa đổi bổ sung những luật cũ luôn chiếm một thời lượng lớn thời gian các kỳ họp…

Tại Bình Thuận, nhận thức về tầm quan trọng của việc thực thi Hiến pháp và pháp luật đối với việc ổn định trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế, mang lại xã hội phồn vinh, những năm qua lãnh đạo tỉnh cũng đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân. Để cụ thể hóa và đưa pháp luật vào cuộc sống, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh cũng được thành lập, nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó đặc biệt hướng đến những đối tượng khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, ngày 6/10/2022, UBND tỉnh đã triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2030. Đề án với các giải pháp và nhiệm vụ toàn diện, không gì khác ngoài mục đích tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên bên cạnh những tiến bộ, thì vẫn còn đó những hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, khi một bộ phận không nhỏ người dân và kể cả cán bộ, công chức, viên chức, người thực thi bảo vệ pháp luật ý thức chấp hành pháp luật kém, vi phạm pháp luật còn diễn ra khá phổ biến. Điển hình là nhiều vụ án gần đây bị xử lý, như về tham nhũng, án kinh tế, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực trật tự xã hội... Chính điều này đòi hỏi công tác xây dựng luật phải chặt chẽ, sát với thực tiễn; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Có thể nói, pháp luật luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định trật tự, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, điều chỉnh và chế tài những hành vi lệch lạc trong đời sống hàng ngày. Đồng thời pháp luật còn là thước đo của một xã hội văn minh, hiện đại. Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), mong rằng mọi người dân hãy sống, làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật để cùng chung tay xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PHÚC SINH

Related articles
Câu chuyện về “Thượng tôn pháp luật”
BT- Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết vừa tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Nữ (còn gọi là Nữ Đoàn), người phụ nữ gây rối trật tự công cộng, với mức án 9 tháng tù giam. Mức án dành cho Nữ được dư luận và người dân đồng tình. Nó như một sự răn đe vừa đủ để đối tượng này nhìn lại mà ăn năn, hối cải, bởi không chỉ riêng vụ “gây rối” bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà còn liên quan đến hàng loạt vụ việc mất an ninh trật tự mà Nữ thực hiện trên địa bàn phường Mũi Né, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thước đo của sự văn minh