Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đỗ Hữu Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí đã từng công tác, chiến đấu trên địa bàn thị xã, cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn.

Ôn lại lịch sử hào hùng 50 năm ngày giải phóng, đồng chí Phạm Trọng Nhân - Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: La Gi ngày nay - Hàm Tân (cũ) - Bình Tuy trước đây là vùng đất cuối của vùng cực Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã La Gi là một trong những vị trí xung yếu của vùng chiến lược quân sự giữa 2 khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh khu V. Ngày 19/4/1975, tỉnh Bình Thuận được giải phóng đã tạo thêm thế và lực mới cho cuộc tiến công của quân đội ta. Ngày 21/4/1975 đến đêm ngày 22/4/1975, quân và dân ta cùng với bộ đội chủ lực tiến công vào giải phóng tỉnh lỵ Bình Tuy, đồng thời vận động Nhân dân nổi dậy giải phóng địa phương. Sáng ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy chính thức được giải phóng hoàn toàn.

Ngày 5/9/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2005/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hàm Tân để thành lập thị xã La Gi và các phường, xã. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và những định hướng của tỉnh, La Gi đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 8 lần so với từ khi mới thành lập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngành thương mại - dịch vụ nay đã đóng vai trò chủ đạo. Kinh tế thủy sản và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển khá toàn diện. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên. Hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được nâng cao. Ngày 17/1/2018, đô thị La Gi đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình đô thị hóa.


Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy đã chúc mừng, ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã La Gi đạt được trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với nâng cao đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các cấp, các ngành. Đối với thị xã La Gi, khi không còn tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập và hình thành đơn vị cấp xã, phường cần phát huy tối đa tiềm năng; khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trở thành địa bàn thương mại - dịch vụ - du lịch quan trọng của tỉnh.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã La Gi tiếp tục đoàn kết, thống nhất, ra sức thi đua, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, góp phần cùng với cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, hùng cường.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ, hiện nay, toàn Đảng đang tập trung thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, gắn với tinh giản biên chế. Đây là cuộc cách mạng vì sự phát triển chung của đất nước, do đó, thị xã La Gi cần quán triệt sâu sắc, thống nhất cao về nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt. Đồng thời, quan tâm giải quyết tốt chính sách cán bộ, ổn định tổ chức bộ máy đi vào hoạt động ngay sau khi sáp nhập xã, phường. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, với phương châm “còn một ngày làm việc, còn phải tận tâm, tận lực thi hành”, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị, bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho cán bộ và Nhân dân thị xã La Gi vì đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.