Thầy giáo trẻ nặng lòng với con chữ ở vùng cao

10/11/2023, 05:58

Không ngại khó, ngại khổ, kiên trì tận tâm bám trường, bám lớp “gieo chữ” với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, giúp học sinh có tương lai tươi sáng hơn. Người chúng tôi muốn nhắc đến là thầy giáo trẻ Nguyễn An Hảo (sinh năm 1986) – giáo viên Trường TH&THCS Phan Dũng, huyện Tuy Phong.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành toán, năm 2007 thầy Hảo được phân công về giảng dạy tại một ngôi trường vùng ven (Trường THCS Phước Thể) ở quê nhà huyện Tuy Phong. Sau khi lập gia đình, năm 2015 thầy Hảo được bố trí công tác tại xã vùng cao Phan Dũng. Với đặc thù 90% học sinh là con em người đồng bào dân tộc Raglai, điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thời gian đầu mới nhận công tác, thầy Hảo không khỏi bỡ ngỡ khi chưa nắm được đặc thù của học sinh nơi đây. Nhiều khi các em còn chưa hiểu hết ngôn ngữ tiếng Việt nên trong quá trình giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Theo thầy Hảo, năm 2021 trường sáp nhập cấp TH và THCS thành Trường TH& THCS Phan Dũng, hiện trường có 4 điểm trường nằm trên địa bàn 2 xã Phong Phú và Phan Dũng. Nhiều học sinh do nhà ở xa trường nên ngại đến lớp, một số em khác thì theo bố mẹ lên nương rẫy nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra. Nhìn học trò của mình như vậy thầy Hảo không khỏi xót xa: “Các em còn nhỏ chưa đến độ tuổi lao động nếu bỏ học sớm thì sẽ không có tương lai tươi sáng”. Ngoài thực hiện nhiệm vụ dạy học, thầy Hảo cùng các thầy cô giáo trong trường phải dậy sớm đi hàng chục cây số đến từng gia đình vận động học sinh đến trường. Đồng thời, thực hiện công tác xã hội hóa vận động các nguồn lực để hỗ trợ cặp, sách, xe đạp, bữa cơm trưa… cho các em. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm giảm đáng kể.

784e01dc-811d-4751-87da-eafb43be320a.jpeg
Thầy Hảo ứng dụng CNTT vào dạy học

Với chuyên môn là giáo viên giảng dạy chính bộ môn toán và tin học bậc THCS, thầy Hảo còn dạy thêm một số bộ môn khác do nhà trường phân công (do thiếu giáo viên). Đặc biệt, có niềm đam mê công nghệ thông tin (CNTT) nên thầy Hảo đã tìm tòi, nghiên cứu tham mưu với nhà trường hướng dẫn tập huấn ứng dụng CNTT trong dạy học cho giáo viên. Trong 2 năm học gần đây, thầy Hảo đã tham mưu nhà trường thực hiện công tác số hóa trường học và là một trong những trường đi đầu của huyện Tuy Phong về số hóa các loại hồ sơ. Đến thời điểm này, 100% giáo viên của trường đã số hóa các loại hồ sơ. Cùng với đó, nhờ công tác xã hội hóa đến nay nhà trường đã trang bị các lớp đều có tivi và máy vi tính để giáo viên ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, nhà trường được mạnh thường quân hỗ trợ bảng tương tác thông minh thì thầy Hảo đã tìm kiếm và tập huấn cho giáo viên ứng dụng trong dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao. Ngoài giỏi chuyên môn, thầy Hảo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu nhân đạo thường niên, tham gia phong trào văn nghệ, thể thao tại địa phương.

89f5a67b-7031-47df-b29f-c6c195f159c3.jpeg

Tuy nhiên, thầy Hảo trăn trở, hiện xã Phan Dũng không còn các chế độ ưu đãi của vùng khó khăn như trước đây nên giáo viên giảng dạy, công tác ở Trường Phan Dũng giống như các trường vùng đồng bằng. Mặc dù, quãng đường từ nơi ở đến trường giáo viên phải vượt 30 km đường đèo đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa sấm chớp, nguy cơ nước lũ rất nguy hiểm. Thầy Hảo mong muốn tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho giáo viên công tác ở xã Phan Dũng. Khó có thể kể hết những khó khăn nhưng bằng trách nhiệm và tình yêu thương với học trò, thầy Hảo vẫn quyết tâm bám trụ mảnh đất đầy khó khăn này để dìu dắt học sinh tiến bộ cũng như đóng góp trong công tác số hóa trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao.

Hơn 15 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Hảo đã đạt nhiều thành tích xuất sắc như giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện nhiều năm liền; nhiều năm là chiến sĩ thi đua, 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay thầy Hảo là cốt cán bộ môn cấp huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt, Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, thầy Hảo vinh dự là 1 trong 58 đại biểu cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 17/11 tại Hà Nội. Chương trình tuyên dương này dành cho giáo viên có đóng góp cho vùng dân tộc thiểu số, vùng cao đối với sự nghiệp phát triển giáo dục.        

THANH THUỶ

Related articles
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh
Thời gian qua, các trường phổ thông trong tỉnh đã tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo trẻ nặng lòng với con chữ ở vùng cao