Thanh âm trong lao động

13/06/2022, 06:09

Có những cuộc vui đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn ở lại đối với những ai đã từng chứng kiến cả quá trình của những con người chỉ biết lao động. Họ bình thường, đơn giản đến mức lên sân khấu vẫn còn run lắm. Họ là những con người lao động, làm việc cật lực ở công trường, hay những xưởng may. ở đó, thấy được niềm vui trong lao động, nhưng cũng chất chứa đam mê chưa được gợi mở.

Bên cạnh những tiết mục được đầu tư, không chỉ trang phục mà còn có đồng nghiệp theo cổ vũ, chuẩn bị hình ảnh. Nhưng cũng có thí sinh đơn giản lắm, mộc mạc như chính công việc của chính mình. Một K’Văn Gường ngay từ những vòng đầu, Gường chỉ xuất hiện với chiếc sơ mi trắng, quần tây và đôi giày thể thao. Có thể đối với Gường, ca hát là đam mê, nhưng có lẽ cuộc sống khó khăn đã khiến cho đam mê ấy chưa lần nào được chắp cánh, nhất là trên sân khấu hoành tráng, đông đảo người xem. Khi Gường cất lên tiếng hát, độ dày dạn trong giọng hát khi thể hiện ca khúc “Mẹ” của Phan Long, chất chứa tình cảm.

unnamed.jpg
Nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh - Trưởng Ban giám khảo trao giải phụ cho các thí sinh hát về ngành nghề lao động về quê hương Bình Thuận hay nhất.

Nhưng có lẽ, Gường cần phải “va chạm”, cần được tự tin hơn một chút, sẽ làm nên chuyện ở cuộc thi này. Chính vì vậy, chàng trai người đồng bào thiểu số khiến cho nhiều người dự khán đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn.

unnamed-5.jpg
Thí sinh K Văn Gường.

Một Thông Thị Ước sáng sân khấu, phải nói rằng đẹp từ gương mặt đến giọng hát khi mang đến ca khúc “Ngọn lửa tuổi 20”. Xử lý tinh tế, cao trào và cả những đoạn cần sự nhẹ nhàng. Cô gái đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã chuyển tải thông điệp trong sáng đủ đầy về những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Thông Thị Ước đơn giản trên sân khấu với chiếc áo dài trắng tinh tươm. Khác với ca khúc “Khát vọng” ở vòng đầu, Thông Thị Ước, cô gái 22 tuổi ở vòng chung kết lại mang đến thông điệp về người lính trong chiến tranh với “Ngọn lửa tuổi 20” (sáng tác Thanh Bình). Nhẹ nhàng, tươi sáng đầy nhiệt huyết như lứa tuổi của cô gái ấy, với thời điểm hiện tại dù chỉ là công nhân ở khu công nghiệp.

unnamed-4.jpg
Thí sinh Thông Thị Ước.

Nếu như Gường và Ước là những thanh niên có nhiều sức trẻ, thì Huỳnh Văn Trạng (Công ty cổ phần Tà Zôn) chín chắn trong “Tổ quốc gọi tên mình” (nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quê Mai). Văn Trạng chỉn chu về mọi mặt, hình thức trên sân khấu đỉnh đạc, giọng hát trầm ấm vang sáng, đã nhận được sự tán thưởng của người xem ngay tại thời điểm đó. Một “Người con gái sông La” (sáng tác Doãn Nho, thơ Nguyễn Phương Thúy), thí sinh Nguyễn Thị Thu (Công ty CP Dược và Vật tư y tế Bình Thuận) với phần xử lý kỹ thuật thanh nhạc gần như chuyên nghiệp, trau chuốt câu chữ cũng là thí sinh để lại ấn tượng rất đẹp cho người xem trong đêm chung kết. Nhưng chính bước đột phá của Lê Quang Sang (Coop.Mart) mới thật sự để lại ấn tượng cho Ban giám khảo, tiếng reo hò của đông đảo khán giả trong ca khúc “Không thể và có thể”. Một giọng hát trẻ, đầy tiềm năng cho phong trào.

Dù chỉ mới tổ chức lần đầu nhưng “Tiếng hát công nhân lao động” lần I – 2022, có cảm xúc, tinh thần và đam mê đủ đầy. Quả thật, hiếm hoi lắm mới có sân chơi cho một lực lượng lao động lâu nay còn quanh quẩn trên những công trường, trong những ngày miệt mài bên xưởng may. Bỗng dưng đáng trân quý, một bữa tiệc tinh thần cho tầng lớp lao động mà tiềm năng ở đó còn quá nhiều, cần khơi gợi để mài giũa và đóng góp cho phong trào văn nghệ.

Nói như nhà thơ – nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh, Trưởng Ban giám khảo: “Ban đầu là cả một sự lo lắng khi mà lượng thí sinh đăng ký ít, Ban tổ chức phải nới thêm thời gian để cho các em có sự chuẩn bị. Và hôm nay, với những tiết mục đã trình diễn, thật sự chứng minh rằng phong trào còn rất tiềm năng. Và tôi thiết nghĩ nên khởi động và duy trì trở lại Hội diễn nghệ thuật không chuyên để tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em sau những giờ làm việc căng thẳng. Từ đó, tạo ra sức mạnh sáng tạo trong lao động sản xuất cùng với doanh nghiệp phát triển kinh tế đóng góp để xây dựng quê hương”.

QUANG NHÂN

Related articles
20 thí sinh vào chung kết Hội thi "Tiếng hát công nhân lao động"
BTO-Chiều 29/5, kết thúc vòng thi sơ khảo Hội thi “Tiếng hát công nhân lao động” lần I – 2022. Ban tổ chức hội thi đã công bố 20 thí sinh có số điểm cao nhất bước vào vòng chung kết.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh âm trong lao động