Tháng 9, nhớ “Đoàn quân đi”

24/08/2022, 05:52

Nhạc sĩ Việt Lang tên thật là Lê Huy (SN 1927) tại Hà Nội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khoảng thời gian từ năm 1945 - 1948 nhạc sĩ Việt Lang đã viết được 8 ca khúc: Chiều Yên Thế, Những bóng hình qua, Mùa thu không biên giới, Thu trên sông, Đàn xuân, Bài ca quốc tế lao động…

Riêng 2 ca khúc bất hủ là Tình quê hương và Đoàn quân đi, đã ghi đậm trong lòng người nghe và tên tuổi nhạc sĩ Việt Lang đã được biết đến, người nghe mến mộ ông cũng từ 2 ca khúc này.

147.jpg
Nhạc sĩ Việt Lang.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Việt Lang làm chuyên gia ở Angola, rồi làm Phó Giám đốc UNESCO Hà Nội. Và từ năm 1990 - 2005 ông viết thêm 17 ca khúc nữa, nhưng mang tên Huy Lê. Nhạc ông đã được Đài TNVN (30/9/2004) và VTV1 (7/10/2004) phát sóng và phát hình.

Nhạc sĩ Vệt Lang qua đời ngày 31/7/2008 tại Hà Nội, thọ 81 tuổi. Lúc sống ông lặng lẽ, nhạc ông lặng lẽ, và qua đời cũng… lặng lẽ! Gần 70 năm, kể từ ngày ông ôm đàn làm nên ca khúc Tình quê hương (tháng 8/1946): “Lòng trai muôn thuở những bước chân giang hồ kiếp sống tung bụi mờ một chiều chia phôi…” và đến tháng 2/1948 trong một đêm hành quân cùng bộ đội ở Khu Ba, lúc dừng quân, ông viết nên Đoàn quân đi: “Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao/ uốn khúc đường đào/ mưa trơn bùn sâu/ đoàn quân đi dưới nắng gắt gay mình đẫm mồ hôi/ thép súng xây đời vai nặng trĩu căm thù lòng sôi/…”, tất cả chỉ còn là… dấu ấn của một chặng đường ngút ngàn binh lửa và riêng nhạc phẩm Đoàn quân đi đã vang ca trong thời kháng chiến để khích lệ và động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân lúc bấy giờ.

Có một điều mà khi viết về ông, hỏi thêm “lý lịch” ông, ông thường khiêm nhường và không dám nhận mình là nhạc sĩ, chỉ dám nhận là người viết nhạc nghiệp dư!

Tôi cũng gắng tìm ông, chỉ với mục đích hỏi về “lý lịch” của 2 ca khúc nổi tiếng Tình quê hương và Đoàn quân đi. Ông đã suy nghĩ, nhớ lại, tìm về, rồi trải lòng mình nói về quá khứ dù cho chiến tranh đã lùi xa, đất nước, con người có nhiều thay đổi, ký ức nhạt nhòa, nhạc sĩ Việt Lang bùi ngùi nhớ lại:

“… Bài Tình quê hương viết năm 1946 trong bối cảnh đã có nhiều thanh niên lên đường “Nam tiến” chống thực dân Pháp xâm lược Nam bộ (vì núi sông ca khúc nguyện thề…), đồng thời cũng muốn vẽ lên hình ảnh những vùng quê êm đềm, thân thiết, lắng đọng mãi mãi trong trái tim những người xa quê (Lòng trai muôn thuở những bước chân giang hồ kiếp sống tung bụi mờ một chiều chia phôi…).

Còn riêng về bài Đoàn quân đi thì viết trong một đêm tháng 2/1948, tôi cùng bộ đội hành quân ở Khu Ba, ngày đêm “mưa trơn, bùn sâu”… Nửa đêm về sáng, chúng tôi tạm trú quân ở một xóm nhỏ rất nghèo. Anh em mệt và ngủ. Nhìn đồng đội, nhìn đồng bào, lòng tôi trào lên một niềm cảm kích sâu sắc. Những ý về lời và nhạc nảy ra trong đầu. Tôi rút quyển sổ đặt lên mép giường tre cũ kỹ, dưới ánh đèn lờ mờ của ngọn đèn dầu và viết. Tôi hoàn thành gần như hoàn chỉnh cả nhạc lẫn lời lúc gần sáng…

Tôi muốn ghi lại hình ảnh thực, ý nghĩ thực của anh bộ đội. Không phải chỉ là tư liệu lịch sử mà là những con người làm nên lịch sử. Anh bộ đội chiến đấu không những chỉ vì lý tưởng độc lập dân tộc, mà còn vì lý tưởng công bằng xã hội. Tôi cũng muốn vẽ lên hình ảnh của đất nước ta biết bao gian khổ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (uốn khúc đường đào… qua những phố phường làng thôn tàn phá…) để thế hệ sau này đừng quên.

Gian khổ như thế, nhưng vẫn lạc quan, vững tin ở ngày mai chiến thắng. Đoàn quân đi lên trong tình yêu thương nồng nàn của cả một dân tộc, gian khổ như thế mà như đi giữa “xuân về mùa thắm…”. Đó chính là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, là một trong những động lực làm nên chiến thắng. Có thể nói rằng: Không phải chỉ có “Đoàn quân đi”, mà “cả dân tộc cùng đi…”.

Thật khó quên “Đoàn quân đi”, ngày ấy toàn dân hát để nhớ anh bộ đội:

“… Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao…/ Về Biên khu… ú ù ú/ Qua những phố phường làng thôn tàn phá/ Rướm máu đôi chân xác xơ quần áo chằng vá/ Quên vùi thăm tháng đi là xây cuộc đời…/ Ngày mai lớp dân lầm than không còn buồn đau/ Đập tan gồng cùm đẫm máu/ Đời vang lên hòa bình khúc ca/ tung trời là bay muôn phương/ Tha thiết đường tơ…”.

Ngày ấy, tháng 9 năm ấy, thấy “Đoàn quân đi”:

“… Bao em tôi đôi mắt sáng ngời/ Trông say sưa quân dồn bước tiến/ Tóc bạc trắng đây là những Mẹ tôi/ Lòng già run run nhìn toán quân xa vời…”.

Và hẹn một ngày mai chiến thắng:

“… Hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng xưa/ Em vẫn mong chờ tới ngày ấy đôi ta cùng mơ…”.

Mỗi năm đến tháng 9, nhớ nhạc phẩm Đoàn quân đi đã ra đời hơn nửa thế kỷ, và nó sẽ trường tồn để khắc khi trang sử oai hùng của dân tộc. Bài nhạc còn đó, nhưng nhạc sĩ Việt Lang đã ra đi (2008) trong sự tiếc thương của bạn bè, đồng nghiệp, cùng những người yêu mến ông qua ca khúc này!

Hàng năm, đến tháng 9, tôi lại nhớ “Đoàn quân đi”. Đốt cho nhạc sĩ Việt Lang một nén nhang lòng!

TRẦN HỮU NGƯ

Related articles
Sân chơi của những người mê đồ cổ
Từ lâu, sưu tầm đồ cổ đã được một số người ở nhiều nơi đam mê, xem đó là thú chơi tao nhã. Cứ từ 8 giờ sáng đến 10 giờ trưa hàng ngày, giữa lòng TP.Phan Thiết, những người yêu đồ cổ, đồ xưa lại tập trung về một góc bên Công viên Tháp nước để thỏa đam mê sưu tầm, giao lưu đồ cổ và trở thành sân chơi quen thuộc nhiều tháng nay.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng 9, nhớ “Đoàn quân đi”