Cả nước lập đề án sáp nhập tỉnh, xã trước 1/5
Dự kiến chính quyền địa phương 2 cấp khi sắp xếp lại từ 63 tỉnh, thành ban đầu sẽ còn 34 tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện và sẽ có khoảng 5.000 cấp xã, phường.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện, gửi lấy ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Trong đó, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị cấp tỉnh và cấp xã theo hướng bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất. Dự thảo nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chuẩn, số lượng của đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp. Theo đó, xã mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên so với tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người. Phường mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên từ 35km² trở lên và quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Phường ở miền núi, vùng cao sẽ có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên. Trường hợp sắp xếp từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Mới đây, Chính phủ có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng thời điểm. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6.
Về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, theo kế hoạch, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 1/5. Trước ngày 30/5, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6.
Ngoài ra, một loạt nghị định quan trọng liên quan đến số lượng phó chủ tịch UBND các cấp, quy trình bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND, giao quyền chủ tịch UBND; tổ chức cơ quan chuyên môn cấp xã, phường, đặc khu; vị trí việc làm và biên chế; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang cũng đang được khẩn trương xây dựng để hoàn thành trước 30/6.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc trước ngày 18/4 nhằm triển khai kế hoạch đến các bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngay sau hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.

Bình Thuận hoàn thành sắp xếp cấp xã hoạt động từ ngày 1/7
Tại Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã ban hành Kế hoạch số 317-KH/TU về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh. Nội dung của Kế hoạch nêu rõ lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Bình Thuận.

Lộ trình thực hiện gồm các bước: Xây dựng Đề án không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, rà soát số liệu hiện trạng phục vụ xây dựng Đề án (diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị; lịch sử hình thành các đơn vị hành chính cấp xã; các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, an ninh, quốc phòng, tài chính, tài sản công…). Thời gian hoàn thành: Trước ngày 31/3; Xây dựng dự thảo Phương án tổng thể không tổ chức cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương. Thời gian thực hiện trước ngày 10/4/2025; Xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (theo hướng dẫn của Trung ương). Thời gian hoàn thành: Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 15/4/2025; Tổ chức lấy ý kiến cử tri, hội đồng nhân dân về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (theo hướng dẫn của Trung ương). Thời gian thực hiện: Theo hướng dẫn của Trung ương… Hoàn chỉnh và gửi hồ sơ Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận, báo cáo Bộ Nội vụ để trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian thực hiện trước ngày 10/5.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ được hoàn thành theo đúng kế hoạch, với thời điểm đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Đồng thời, Bình Thuận cũng đã tiến hành xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai thực hiện Đề án.
Trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội. Chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ tình hình ở các địa bàn bảo đảm giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự.