Bà Nguyễn Tôn Phương Trang, Trạm trưởng Trạm y tế xã Huy Khiêm cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã ghi nhận rất nhiều ca mắc SXH, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc trên địa bàn tăng mạnh trên 80 ca và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng. Trước tình trạng này, trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp nhằm khống chế bệnh như: Phát động chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn toàn xã. Tiến hành tẩm hóa chất vào mùng cho tất cả các hộ dân, phun xịt 2 đợt thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, việc phun thuốc hóa chất chưa được phủ khắp trên toàn địa bàn mà chủ yếu phun ở phạm vi khoảng 200 m tính từ các ổ dịch. Cũng theo bà Trang, do địa phương có số người đi rừng khá nhiều nên đa số ca bệnh bùng phát từ những người này, sau đó lây cho người thân trong gia đình thông qua lây truyền từ muỗi đốt.
Ghi nhận tại Khoa truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh, trong ngày 24/6 có 12 ca bệnh SXH đang được điều trị. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận gần 100 ca SXH, trong đó riêng tháng 6, khoa đã tiếp nhận 57 ca. Nhiều ca đã được điều trị khỏi và xuất viện. Hiện tại, khoa được bố trí 23 giường bệnh, tuy nhiên cao điểm phải nằm ghép 2 bệnh nhân/giường.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Chuyên khoa 1 - Trưởng khoa truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh cho biết: Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa nên dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân, trong đó có bệnh SXH. Mặc dù, ngay từ đầu năm Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch; tổ chức giám sát tình hình dịch tễ, triển khai phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, chủ động phòng chống SXH tại các xã, thị trấn trọng điểm về dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, bệnh SXH tăng mạnh, nhất là trong tháng 5, tháng 6, tập trung nhiều ở các xã như Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Lạc Tánh, Măng Tố, các xã còn lại có ca mắc rải rác. Tính đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 404 ca SXH, trong đó có 211 ca mắc là người dân xã huy Khiêm và trên 80 ca là trẻ nhỏ từ dưới 15 tuổi. Riêng trong tháng 6, toàn huyện ghi nhận trên 120 ca. Đồng thời xử lý 30 ổ dịch SXH. Đến thời điểm này trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp tử vong và có 2 ca SXH nặng.
Hiện nay, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng (bọ gậy), muỗi sinh sôi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Thêm nữa, năm 2022 rơi đúng vào chu kỳ 4 năm của loại dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa này nên nguy cơ bùng phát bệnh trên diện rộng là rất cao. Do đó, để hạn chế bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, như: dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng; vệ sinh nhà cửa và không gian thoáng mát, thu gom, loại bỏ các vật liệu phế thải tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống… Đồng thời, khuyến cáo người dân nên ngủ mùng để tránh muỗi đốt. Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp tổ chức các đợt ra quân tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm... nhằm hạn chế muỗi sinh sôi, phát triển, hạn chế dịch bệnh lây lan.