Tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp

24/11/2023, 05:05

Trong 5 năm (2018 - 2023), các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách của Trung ương về khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, nhà đầu tư chiến lược tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.

Công khai thông tin hỗ trợ

Bình Thuận đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4005/2018, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan và Quyết định số 1214/2022 về việc công bố danh mục và quy trình nội bộ TTHC được thay thế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thuộc phạm vi chức năng giải quyết của Sở Xây dựng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về quản lý chuyên ngành xây dựng để các doanh nghiệp chấp hành trong quá trình sản xuất, kinh doanh; rà soát, công bố công khai các quy hoạch trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chủ trì họp, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan để cập nhật bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cụm công nghiệp; khu chế biến nông, lâm, thủy hải sản tập trung do các sở, ngành, địa phương đề xuất, phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã phê duyệt 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, đề án trên lĩnh vực Công Thương để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp cụ thể: Hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất; xây dựng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngành Công Thương trong năm 2022. Đã triển khai có hiệu quả Đề án OCOP mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Trung tâm hành chính công ra đời, giúp doanh nghiệp được giải quyết TTHC nhanh hơn. Ảnh: Đ. Hòa

Và vốn tín dụng

Tỉnh cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia: “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tổ chức thực hiện tốt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Các sản phẩm lợi thế của tỉnh được hỗ trợ, quảng bá trên sàn thương mại điện tử.
Ảnh: Đ.Hòa

Nhờ tiếp cận vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất. Ảnh: Đ.Hòa

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 54.921 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cuối năm 2022, tăng 78,5% so với đầu năm 2018; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 82.869 tỷ đồng, tăng 3,76% so với cuối năm 2022, tăng 114% so với đầu năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khu vực kinh tế tư nhân đạt 81.663 tỷ đồng (dư nợ cho vay doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 22.280 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình đạt 59.383 tỷ đồng), chiếm 98,5% tổng dư nợ cho vay, tăng 116% so với đầu năm 2018. Ngoài ra tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách thuế nhằm hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt và định hướng phát triển doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong thực thi nghĩa vụ thuế.

 Doanh nghiệp giao dịch tại ngân hàng tiếp cận vốn vay

Với sự vào cuộc, chỉ đạo, đồng hành của tỉnh, sự nỗ lực thực hiện của các sở, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân ở tỉnh Bình Thuận đã từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn và tuân thủ theo cơ chế thị trường để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

NHƯ NGUYỄN

Related articles
Hàng ngàn hộ dân được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi
Vay 200 triệu đồng hay 500 triệu đồng đến nhiều tỷ đồng để làm kinh tế hộ gia đình hay phát triển trang trại từ Agribank với lãi suất ưu đãi đang là lợi thế của nông dân Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp