Tái tạo nguồn lợi thủy sản từ hoạt động thả giống thường niên

30/03/2023, 06:04

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, cùng với sự khai thác quá mức của con người, nguồn tài nguyên thủy sản ở Bình Thuận cũng đang đối diện nhiều thách thức đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng suy giảm, suy kiệt của nhiều loài thủy sản từ vùng biển đến vùng nước nội địa.

Bản ghi nhớ hợp tác

Là tỉnh có bờ biển dài 192 km, diện tích vùng nội thủy rộng trên 20.000 km2, nguồn lợi biển của Bình Thuận vốn nổi tiếng phong phú gồm nhiều loài cá, hải đặc sản có giá trị kinh tế cao. Từ đó, đã hình thành truyền thống nghề cá từ nhiều đời, có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống hồ, đập thủy lợi trong tỉnh được đầu tư qua nhiều thời kỳ với dung tích chứa khoảng 342 triệu m3, diện tích mặt nước rộng hàng ngàn ha, không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn tạo ra môi trường sống thuận lợi cho nhiều giống loài thủy sản nước ngọt sinh trưởng, phát triển.

img_0306.jpg

Tuy vậy, do ý thức của người dân, hoạt động đánh bắt thủy hải sản ngày càng gia tăng, sự xâm hại của các loài thủy sản ngoại lai và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, nơi cư trú, sinh sản, di cư của nhiều loài thủy sản, nhiều loài bị khai thác quá mức, không có khả năng phục hồi, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh qua nhiều thời kỳ đã luôn quan tâm công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

h-26.jpg
Nguồn lợi biển của Bình Thuận vốn nổi tiếng phong phú, có giá trị knih tế cao

Đặc biệt, ngày 1/4/2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đánh giá tổng kết 4 năm, nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực đã được triển khai, huy động được đông đảo người dân, tăng ni, phật tử trong phóng sinh, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với khoảng 192 tấn và 127 triệu con giống thủy sản các loại được thả xuống vùng nước tự nhiên, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, đóng góp chung vào công cuộc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội. Từ những kết quả đạt được, nhằm phát huy và tăng cường sự hợp tác, ngày 20/12/2021, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, tập trung vào 2 hoạt động chính là phối hợp trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản, ý thức, trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân đối với hoạt động phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

img_0359.jpg
Hoạt động thả giống ở khu bảo tồn biển Hòn Cau nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản

Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Song song đó, đã vận động và phối hợp với các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp thủy sản và chính quyền địa phương tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào ngày 1/4 hàng năm - Ngày truyền thống ngành thủy sản. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội trong công tác tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, các phật tử và người dân trong tỉnh cũng có các hoạt động phóng sinh các loài thủy sản như tục phóng sinh cá chép vào ngày 23/12 âm lịch; ngày Lễ Vu lan - rằm tháng 7 âm lịch và các ngày lễ lớn của Phật giáo hàng năm. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, là một nét đẹp văn hóa tâm linh, vừa thể hiện mong muốn đem lại an lạc hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, vừa góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

img_0346.jpg
Đây là hoạt động thường niên nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội.
img_0325.jpg
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Bình Thuận

Tuy vậy, hoạt động phóng sinh thời gian qua, đôi lúc còn bộc lộ nhiều bất cập, như phóng sinh thủy sản tại các con sông, ao, hồ không đảm bảo về điều kiện môi trường sống; hoặc thả các loài ngoại lai xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại như rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá tỳ bà… Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng chuyên môn với các tổ chức Phật giáo là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh vừa qua đã tổ chức Lễ ký kết kế hoạch phối hợp trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ được tổ chức tại 2 điểm hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc) và Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong) vào ngày 1/4/2023. Dự kiến 60.000 con cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép sẽ được thả tại hồ Sông Quao; 500.000 con tôm sú giống PL15, 1.000 con cá mú sẽ được thả tại Hòn Cau.

z4184162395764_dc6f56f7e317d793ab438d38e5b0de86.jpg
Lễ ký kết kế hoạch phối hợp trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2023), góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng ngư dân trong bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, còn phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, của đồng bào phật tử trong hoạt động phóng sinh các loài thủy sản góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

MINH VÂN

Related articles
Giã cào nhám “Tận diệt” nguồn lợi thủy sản
BTO- Nghề giã cào nhám khá đơn giản chỉ từ chiếc tàu giã cào đơn ngư dân trang bị thêm tấm lưới hoặc hoán cải các tấm lưới có mắt to thành mắt nhỏ để đánh bắt sò nhám, trên tàu chỉ cần từ 3- 4 lao động và 2 can dầu là có thể sẵn sàng hoạt động. So với giã cào bay thì nghề cào nhám có tính chất “tận diệt” và hủy hoại môi trường sinh thái biển rất cao. Các tàu làm nghề cào nhám chủ yếu là khai thác các loại hải sản non… làm ảnh hưởng tới cuộc sống của ngư dân làm nghề khai thác gần bờ tại vùng biển Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, La Gi, Hàm Tân. Mỗi tàu giã cào nhám có thể cào 300 đến 500 bao sò nhám. Lợi nhuận thu được hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Các tàu hành nghề cào nhám thực chất là nghề giã cào (lưới kéo) ven bờ thường có công suất trên dưới 90CV. Theo quy định của pháp luật, tàu cá từ 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi, cách bờ biển hơn 24 hải lý,...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái tạo nguồn lợi thủy sản từ hoạt động thả giống thường niên