Tà Mon còn đó nỗi lo

13/06/2023, 05:39

Từ việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nay lại đến đường sá đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn khi cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn, khiến người dân Tà Mon thêm nỗi lo chồng chất.

123456

Đổi thay

Tà Mon, một thôn có 610 hộ/2.443 khẩu của xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam khô hạn, đón tôi bằng một cơn mưa tầm tã. Đây là lần thứ 2 tôi đến đây. Lần đầu cách đây 6 năm khi ấy là mùa khô, đường vào Tà Mon dài 3,5 km phẳng lỳ dẫn tôi vào hồ Tà Mon, nơi được ví như bầu sữa mẹ nuôi sống người dân quanh hồ. Nhưng vì khoan giếng không có nước, nên người dân sống quanh hồ lấy nước hồ về sinh hoạt trong gia đình. Khi diện tích thanh long ngày càng mở rộng, hồ luôn trong tình trạng cạn trơ đáy. Thôn trưởng Tà Mon Trần Văn Công lúc đó nói với giọng buồn, nhiều gia đình khoan giếng sâu 30 – 40 m, thậm chí 70 – 80 m không có nước nên lấy nước hồ về sinh hoạt nhưng hồ cũng cạn khô…

Nay trở lại vào mùa mưa thấy mọi thứ không còn như xưa, nhà cửa được xây dựng nhiều hơn, đường Tà Mon xuống cấp trầm trọng với “ổ voi, ổ gà” chằng chịt sũng nước. Công trình cao tốc Bắc – Nam đi ngang qua làm thay đổi lớn diện mạo thôn. Riêng vấn đề thiếu nước vẫn còn nguyên, người dân vẫn lo “khát” khi mùa khô đến.

z4409845116434_2523aabbf3acf750ebb365f06073e1a8.jpg
Đường vào nhà ông Sơn và các hộ dân sống bên cao tốc.

Thêm nỗi lo

Mưa nặng hạt hơn thấm đẫm đất giải tỏa cơn khát sau những tháng, ngày nắng hạn. Người Tà Mon khấp khởi trong nỗi lo mới, đó là đường sá đi lại khó khăn do ảnh hưởng của công trình cao tốc. Nhất là những hộ có nhà, có đất sản xuất 2 bên cao tốc, trong đó hộ nhà ông Huỳnh Văn Sơn. Tôi dừng chân ở nhà ông Sơn lâu bởi vì mưa và vì câu chuyện của ông dài. Ông tỏ ra bức xúc về việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ đất… cho nhà mình. “Chị thấy không, nhà tôi như thế này ai đến cũng thấy thương, mưa xuống nước từ cao tốc chảy vào nhà, hư hỏng 2 cái máy giặt rồi…”, ông Sơn cho biết.

Nhưng, tôi - một phóng viên có trách nhiệm phản ánh những bất cập trong cuộc sống để ngành chức năng giải quyết, dù không đồng tình với ông, nhất là tính cách nóng nảy. Điều đó sẽ bất lợi cho ông trong giải quyết vấn đề. Chuyện của gia đình ông có liên quan đến công trình trọng điểm quốc gia phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế. Cao tốc Bắc - Nam thuộc công trình cấp quốc gia nên vấn đề thu hồi đất, bồi thường... tất cả đều theo quy định của Nhà nước.

Đơn khiếu nại của ông gửi đi khắp nơi, UBND tỉnh ban hành quyết định trả lời ông lần thứ 2, có nghĩa là mọi thứ ông yêu cầu là trái với quy định, không thể giải quyết. Song, tôi cũng đã đặt mình vào trường hợp của ông khi nhìn thấy hệ thống thoát nước của cao tốc tuôn thẳng vào nhà, chưa kể đường đi lầy lội, sình lầy do hậu quả của công trình cao tốc để lại.

Rời nhà ông Sơn, tôi theo ông Huỳnh Công Phát băng qua các vườn thanh long của các hộ dân, men theo hàng rào cao tốc đến những vườn thanh long không có lối chính để vào. “Nhà tôi có diện tích đất hơn 1 ha, cao tốc băng qua giữa đất, để lại cho tôi bên này cao tốc còn hơn 1 sào bao gồm nhà ở, bên kia cao tốc hơn 5 sào. Nhưng diện tích 5 sào này không có lối vào, muốn vào phải băng qua đất nhà dân. Bây giờ tôi không biết vận chuyển nông sản, phân thuốc chăm sóc thanh long bằng cách nào?”, ông Phát lo lắng. Ngoài ông Sơn, ông Phát, bà Lan, người cũng đang lo nước mưa từ hệ thống thoát nước của cao tốc đổ xuống vườn thanh long gây thối rễ thì còn nhiều hộ khác cũng chịu cảnh như vậy. Nhìn hoàn cảnh họ tôi thấy nhiều nỗi lo, chuyện thiếu nước khi mùa khô, giá nông sản bấp bênh, nay lại thêm đường dân sinh, sản xuất đi lại khó khăn…

Nước mưa từ cao tốc chảy vào nhà ông Sơn khiến ông bức xúc.

Mong được quan tâm

Mang những nỗi lo của họ hỏi ngành chức năng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Lộc chia sẻ: Ngoài vấn đề thiếu nước thì đường dân sinh xã đã có nhiều văn bản kiến nghị các cấp, ngành. Trong đó, một số văn bản kiến nghị đơn vị thi công mượn các tuyến đường để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nay đã hư hỏng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long, thuộc Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa chữa hoàn trả lại như biên bản đã thỏa thuận ban đầu. Cùng với đó sớm hoàn thiện đường gom dân sinh, hầm chui, cầu vượt, hệ thống thoát nước, đường ngang, rãnh dọc, taluy… và bổ sung thêm đường gom dân sinh để người dân thuận tiện đi lại…

z4409843541518_913ab6e43f3df4c4e1db712ce1bf3d2a.jpg
Nhiều diện tích thanh long của các hộ dân không có lối vào.

Những kiến nghị ấy đã đến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Thông thông tin, đã phản ánh đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu đang tập trung giải quyết theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải trên tinh thần kiến nghị của Bình Thuận.

Đó là mối quan tâm của tỉnh cho không chỉ với Tà Mon mà còn cho nhiều địa bàn khác bị ảnh hưởng bởi cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đối với vấn đề nước, năm 2021 HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống cấp nước xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. UBND huyện đang đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã Tân Lập để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân trên địa bàn xã.

Với mối quan tâm ấy, Tà Mon sẽ vơi nỗi lo, yên ả như bao vùng quê khác.

GHI CHÉP CỦA NINH CHINH

Related articles
Dân Tà Mon “khát” nước tưới thanh long
BT- Mới giữa tháng 3 mà đập Tà Mon (xã Tân Lập - huyện Hàm Thuận Nam) đã trơ đáy, hàng chục hộ trồng thanh long trong khu vực đứng ngồi không yên vì thanh long đang vụ chong đèn nhưng lại thiếu nước tưới trầm trọng…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tà Mon còn đó nỗi lo