Sau khi nghỉ hưu, vòng tròn quan hệ xã hội và bạn bè của người lớn tuổi dần hẹp lại. Nếu chỉ quẩn quanh trong nhà và tập trung vào việc trông nom các cháu, làm việc nhà thì người già sẽ rất cô đơn. Thực tế, người già rất sợ sự cô độc và neo đơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất nhiều người già cảm thấy bị cách ly với xã hội. Xuất phát từ việc lâu ngày không giao tiếp với bạn bè, hàng xóm hoặc các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, đa số người cao tuổi cảm thấy bị cô lập do nhiều nguyên nhân như: Họ trở nên yếu đi, đi đứng khó khăn, không còn có “tiếng nói” trong gia đình, nghỉ hưu, mất đi người thân, bạn bè, phụ thuộc vào con cái…
Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, vấn đề người già cô đơn, dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Việc này có thể dẫn đến trầm cảm ở tuổi già, không chỉ vậy, nỗi cô đơn còn là “mối hiểm họa” làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, béo phì, trầm cảm, Alzheimer... khiến họ suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
Để ngăn chặn những nguy cơ bệnh tật kể trên, người lớn tuổi cần duy trì kết nối bạn bè bằng nhiều cách. Đơn cử là tham gia câu lạc bộ như dưỡng sinh, thể thao, văn nghệ, cây cá cảnh… Thông qua các hoạt động này, sẽ giúp người cao tuổi mở rộng được nhiều mối quan hệ khác bằng cách kết giao, chia sẻ những kinh nghiệm và sở thích với những người cùng tuổi. Ngoài ra, sử dụng mạng xã hội cũng giúp người lớn tuổi giữ liên lạc với người thân và bạn bè, nhờ vậy, người già sẽ tìm được nhiều niềm vui. Bên cạnh đó, người lớn tuổi nên duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết là đạm, bột, chất béo, vitamin, chất khoáng và khám sức khỏe định kỳ để tầm soát phát hiện sớm các căn bệnh mãn tính. Việc chăm sóc sức khỏe không chỉ là cách đối xử tốt nhất với bản thân mà còn là với gia đình, con cái và xã hội. Nếu có sức khỏe tốt thì người cao tuổi sẽ giữ được thế chủ động trong cuộc sống, không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của con cái, người thân và hơn nữa thể chất tốt cũng góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần.
Quan trọng hơn, tạo thói quen tự tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ giúp tâm trạng người lớn tuổi thấy thoải mái hơn. Càng đơn giản sự thỏa mãn với cuộc sống thì hạnh phúc tuổi già càng trở nên viên mãn. Nhờ đó những nỗi buồn phiền, mối bận tâm không đáng có cũng được giảm tải đáng kể. Bên cạnh đó, trò chuyện và chia sẻ với người thân, duy trì tình cảm gia đình gắn kết sẽ mang lại cho cảm giác bình yên cho tuổi già.
Nỗi cô đơn của người già thường bị xem nhẹ và được cho là điều hiển nhiên mà bất kỳ người cao tuổi nào cũng gặp phải. Song nếu biết giữ vững tinh thần lạc quan và tự tạo cho mình những niềm vui đơn giản trong cuộc sống, người cao tuổi sẽ biết cách dễ dàng vượt qua nỗi cô đơn này. Và con cháu nên là “bờ vai tinh thần” vững chắc cho người già nương tựa, giúp họ phần nào đó nguôi ngoai đi sự tổn thương, cô độc ở tuổi xế chiều.