Góp ý về hành vi kê khai khống vốn điều lệ (khoản 35 được bổ sung mới), theo đại biểu việc bổ sung khái niệm “kê khai khống vốn điều lệ” là một bước đi đúng đắn và rất cần thiết nhằm chống lại hành vi gian dối trong đăng ký doanh nghiệp. Thực tế đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp khai không vốn điều lệ ở mức rất cao nhằm tạo uy tín giả tạo, nhưng trên thực tế không góp đủ vốn, dẫn đến rủi ro cho đối tác, người tiêu dùng và cả thị trường.

Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng, nội dung dự thảo mới dừng ở mô tả hành vi mà chưa làm rõ các vấn đề quan trọng như: chế tài xử lý là gì, có bị xử phạt hành chính hay đình chỉ hoạt động hay không; trình tự xác minh hành vi khai khống vốn ra sao; thời hạn góp vốn tối đa là bao lâu? “Tôi đề xuất bổ sung vào dự thảo luật điều khoản quy định theo hướng việc xử lý các hành vi quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, đăng ký doanh nghiệp và các quy định liên quan. Đồng thời, cần giao cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế quyền yêu cầu doanh nghiệp chứng minh vốn đã góp đúng cam kết” - đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề xuất
Liên quan đến tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (khoản 36 được bổ sung mới), khoản này liệt kê 7 tình trạng pháp lý bao gồm: tạm ngừng kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, đang giải thể, phá sản, đã chấm dứt tồn tại và đang hoạt động. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất tiến bộ, giúp các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, đối tác thương mại nắm rõ tình trạng thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định trên vẫn thiếu các vấn đề trong thực tiễn triển khai như: các tình trạng nêu trên được cập nhật ở đâu, có được công khai trên Cổng thông tin quốc gia hay không, căn cứ nào để xác định doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, và quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong từng trạng thái pháp lý là gì?
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào đoạn cuối khoản 36 quy định theo hướng: thông tin về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp phải được cập nhật công khai trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xác định, công bố, cập nhật và hậu quả pháp lý của từng tình trạng pháp lý.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp (bổ sung khoản 5a sau khoản 5 Điều 8), đại biểu hoàn toàn thống nhất việc bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất quy định rõ hơn về hình thức lưu giữ, thời gian tối thiểu và chế tài nếu doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Tại Điều 17 - về điều kiện thành lập doanh nghiệp: Một là, việc bỏ quy định yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp nộp Phiếu lý lịch tư pháp là hướng cải cách hành chính phù hợp với chủ trương giảm thủ tục và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tôi rất đồng tình với quy định này; tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều "doanh nghiệp ma", các trường hợp đăng ký khống, núp bóng sở hữu… do đó, việc bỏ hoàn toàn yêu cầu xác minh lý lịch có thể tạo ra khoảng trống quản lý, để khắc phục thực trạng trên, đại biểu kiến nghị nên bổ sung quy định theo hướng cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh được quyền trích xuất, xác minh thông tin lý lịch tư pháp thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước, lý lịch tư pháp, để vừa đạt được mục đích cải cách hành chính, vừa kiểm soát được rủi ro.
Hai là, việc thể chế hóa quyền của viên chức đại học công lập trong góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng (Nghị quyết 193/2025/QH15 và Nghị định 88/2025/NĐ-CP). Đại biểu cho rằng đây là bước quan trọng thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, huy động chất xám vào thị trường, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tôi rất đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số điều kiện cụ thể để tránh xung đột lợi ích, ví dụ như: Giới hạn hoạt động của doanh nghiệp mà viên chức tham gia điều hành chỉ được liên quan đến kết quả nghiên cứu tại đơn vị công lập nơi viên chức làm việc; Quy định cơ chế giám sát độc lập đối với trường hợp viên chức lãnh đạo đồng thời giữ chức vụ trong doanh nghiệp; Bổ sung nghĩa vụ báo cáo xung đột lợi ích nếu có….