Tiếng loa lại vang lên đồng vọng và họ lại là những người khoác nhanh máy móc, túi xách, áo phao lao ra boong trước khi những chiếc xuồng vừa được cần cẩu hạ chạm mặt nước. Nhưng khi từ đảo trở lại tàu, họ lại là những người cuối cùng rời đảo với bao bịn rịn, quyến luyến. Lẽ ra phải thăm nhiều chỗ hơn thế nữa, phải phỏng vấn thêm chiến sĩ này, phải chụp hình, quay phim thêm chỗ kia; chưa kịp ôm hôn người chiến sĩ trẻ ấy, chưa kịp xin số điện thoại vị sĩ quan kia… Thời gian trong chuyến thăm đảo luôn thiếu! Cảm giác rời đảo luôn là sự nuối tiếc khôn nguôi!
Trong khi mọi người nghỉ ngơi, nhà báo, văn nghệ sĩ làm việc. Mọi người làm việc, thăm hỏi nhau, nhà báo, văn nghệ sĩ cũng làm việc. Vậy nên tôi thích dùng chữ “rẽ sóng” trong tiêu đề bài viết này để thể hiện đặc thù tiên phong luôn lao lên trước, luôn bọc phía sau trong chuyến đi Trường Sa của các nhà báo, văn nghệ sĩ là vậy.
Thương lắm Trường Sa!
Cây bàng vuông ngủ đông mùa hạ
Bởi sóng táp ầm ào cháy hết lá mùa thu
Sau khi ghé thăm đảo Song Tử Tây trở về chiếc hạm 571, tôi đã viết nhanh vào sổ một tứ thơ vừa “dậy sóng” trong tim và đã đọc cho các bạn mình nghe. Đó là hai căn phòng D1, D8 thân thương của tôi gồm những nhà báo, văn nghệ sĩ từ các miền của đất nước tụ hội trên chuyến công tác Trường Sa do Đại tá Đỗ Minh, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn này.
Chuyến tàu HQ- 571 đưa chúng tôi vượt hơn 300 hải lý từ Quân cảng Cam Ranh đến đảo đầu tiên là Song Tử Tây (11°25’55”B 114°18’0”Đ). Sở dĩ tôi có cảm xúc dâng trào, nghẹn ngào viết những dòng thơ trên là do sau khi nghe một chiến sĩ kể lại cơn bão Rai kinh hoàng ngày 18/12/2021 đổ bộ vào Song Tử Tây. Cơn bão đã giật tốc hầu hết mái ngói, hỏng nhiều tấm pin năng lượng mặt trời, gần như tất cả cây cối trên đảo bị bật gốc và gãy đổ; 2 trạm đo gió thủ công và trạm đo gió tự động đều lần lượt bị hỏng. Đây cũng là lần đầu tôi tận mắt chứng kiến và hiểu “táp” là những con sóng dựng cao bị gió cuồng hất mạnh vào sâu trong bờ. Táp là nguyên nhân làm cho những cây bàng vuông còn lại trên đảo đồng loạt rụng lá “ngủ đông” giữa mùa hạ.
Rạng sáng ngày 16/5/2024, chúng tôi vào đến đảo Sinh Tồn Đông, (tôi còn nhớ đây là đảo do Tư lệnh quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương đề nghị đổi tên Grierson thành đảo Sinh Tồn Đông). Cảm giác thương thuộc trong tôi từ lâu phần vì trong giới văn chương không ai là không biết đến bài thơ “Đợi mưa ở đảo Sinh Tồn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi bước lên đảo mà đầu óc cứ ám ảnh những đám mây ảo ảnh để những người lính luôn có niềm vui chờ đợi cơn mưa đổ xuống, vậy đó mà miệng tôi chợt thì thầm:
“… Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
Ôi ước gì được thấy mưa rơi ...”
Ngay lúc ấy cả đội truyền thông, nghệ sĩ đã lần lượt đặt chân lên cầu tàu. Và thoáng cái, tất cả lại tỏa đi các ngã đường trên đảo, tất cả đều đến với đảo bằng những cảm xúc dồn nén nên bước chân thoăn thoắt nhanh nhẹn lắm.
Đảo Sinh Tồn Đông nằm trong cụm Sinh Tồn, gồm cả Cô Lin và Len Đao, là một trong các điểm nhấn quan trọng của đoàn công tác lần này.
Trung úy Đoàn Văn Lương, sinh năm 1999, quê Thanh Hóa ngồi cạnh tôi trong chương trình văn nghệ giao lưu, quay sang tôi khe khẽ tâm sự: “Em nhớ nhà lắm nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng vượt qua nhà văn à! Lính bọn em ý chí, kỷ luật thép mà!”.
Nhân chuyện nhớ nhà, một cán bộ ở đảo đã bắt chuyện rất thiệt thà khi tôi hỏi đường đến trường tặng số sách văn học mình mang theo. Ông cố gắng diễn tả cho tôi hiểu về “hội chứng Trường Sa” thường có ở thời gian trước kia, là điều ít ai dám nói tới vì sợ ảnh hưởng tinh thần lính đảo. Đó là những buổi chiều nhớ, trời yên biển lặng, người bị hội chứng này thường là lính trẻ, cứ lững thững đi mãi, mắt nhìn chăm chăm ra biển, nhìn mà không nhìn gì cả, giống người mộng du. Giờ, mọi chuyện đã tốt hơn nhiều, phương tiện giải trí, nối kết được cải thiện, hội chứng này tự dưng đã biến mất.
Đêm Trường Sa nghe điệu chèo Luyện Năm Cung
Khi tàu đến vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thì toàn tàu lên boong tham dự lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ánh chiều tà hắt chênh chếch lên mạn tàu, không khí trên tàu trang nghiêm, trời biển, con người đều đang lắng xuống, trĩu xuống khiến cho buổi lễ thêm phần thiêng liêng. Ai cũng hơn một lần quay ánh mắt nhìn đau xót, căm phẫn về phía đảo Gạc Ma; sau khi chiếm trái phép của ta, Trung Quốc đã cho xây dựng rất nhiều hạng mục to lớn, nhìn mà máu trong tim muốn ứa ra.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam chúng ta đã phải đổi bằng bao mồ hôi nước mắt và cả bằng xương máu để xác lập, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên, bất ngờ tấn công, bắn chìm bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta. Trong buổi lễ, một sĩ quan Hải quân đã run run nói như sắp khóc:
Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sĩ!
… Dẫu biết rằng có thể hy sinh nhưng trước sự đe dọa cũng như những hành động dã man của Trung Quốc, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm ngoan cường, chiến đấu chấp nhận hy sinh. Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng Cách mạng như cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 - Hải quân, Anh hùng liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Từ, Thuyền trưởng tàu HQ 604… Anh hùng liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước sự tấn công của kẻ thù anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội và hô lớn: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng Hải quân! Sự kiện bi tráng 14/3/1988 làm cho 64 cán bộ chiến sĩ và 3 tàu hải quân của ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả…
“Cờ Tổ quốc vươn mình trong lửa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương…”
Lời thơ chưa dứt nhiều đôi mắt đã đỏ hoe, nhiều đôi vai đã rung lên. Đó là những giọt nước mắt thương tiếc, nước mắt cảm phục tự hào và cả nước mắt của lòng căm phẫn…
Đảo Trường Sa lớn cách Cam Ranh 470 km, cách Vũng Tàu 500 km, phải vượt qua hải trình khá dài chúng tôi mới đến được nơi này. Mới bốn rưỡi sáng mà dường như tất cả đã có mặt đầy đủ trên boong tàu để chờ đợi ngắm nhìn “con tàu lớn của chúng ta”- đảo Trường Sa. Phía đông, những đám mây dần nhuốm hồng, một nghệ sĩ đã tì người vào thanh sắt lan can trên tàu bắt đầu kéo violon, tiếng nhạc du dương tỏa ra trên làn nước lặng lờ. Tôi và các bạn đang khe khẽ bàn về những chuyến trực thăng ra đảo cấp cứu ngư dân thì dừng lại, im phắc. Tất cả lặng yên trong tiếng nhạc, hình dáng một con tàu khổng lồ lớn dần, lớn dần, đảo Trường Sa thân yêu hiện ra trước ánh mắt háo hức chờ đợi của chúng tôi.
Trong đội chúng tôi có 12 nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, họ lúc nào cũng tất bật. Và ngay lúc này, họ cũng đã chuẩn bị mọi thứ cho cuộc biểu diễn giao lưu quan trọng đêm nay tại đảo Trường Sa lớn và cả trên nhà giàn DK1-16, Phúc Tần sắp đến. Nghệ sĩ Lê Tấn Cường- Trưởng đoàn cho biết: “Được đến biểu diễn giao lưu với các chiến sĩ Trường Sa, được mang tinh hoa truyền thống chèo, lời ru của mẹ, tiếng thơ của cha đến hải đảo xa xôi đó là khao khát lâu nay của chúng tôi”.
Ngày 18/5/2024, đoàn công tác 20 đặt chân lên đảo Đá Tây C. Tôi hỏi điều gì khiến cả đoàn chèo có vẻ xôn xao vậy? Nghệ sĩ Lê Tấn Cường cho biết cả đoàn đang tập bài mới do chính anh viết ngay trên chuyến tàu HQ-571 này cho kịp mừng Sinh nhật Bác, đó là bài “Nơi Trường Sa nhớ Bác”, viết theo điệu luyện năm cung.
Và quả thật đêm 19/5 ấy là đêm lan tỏa sự ấm áp. Sau khi hát phục vụ các chàng lính hải quân “mấy chục năm chưa nghe chèo”, cả đội chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam đã có mặt trên boong từ sớm. Làn điệu chèo Luyện Năm Cung vang lên da diết, rộn ràng quá! Những ánh mắt lúng liếng. Những tà áo tứ thân mớ ba mớ bảy tha thướt. Những lời hát rót mật ngọt ngào. Tất cả đoàn công tác đã lần lượt tràn lên boong, tay trong tay tạo thành hai ba vòng tròn thương thiết nối nhau. Những đêm văn nghệ trên tàu bao giờ cũng mang lại những hứng khởi đặc biệt cho đội nhà báo, văn nghệ sĩ chúng tôi và dường như đó là mảnh ghép cuối cho đủ đầy ý nghĩa trong chuyến “rẽ sóng” đến Trường Sa lần này.