Quản lý an toàn thực phẩm: Hướng đến ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng

21/09/2022, 05:19

Quản lý an toàn thực phẩm không những góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh mà còn hướng đến ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe lẫn quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương…

Tại Bình Thuận, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.570 cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương, tuy nhiên phần lớn quy mô nhỏ lẻ và hộ gia đình, chủ yếu thực hành sản xuất thủ công, số ít trường hợp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị bán tự động… Liên quan vấn đề này, thời gian qua Sở Công Thương đã tổ chức triển khai, hướng dẫn đến các địa phương, cơ sở về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó giúp các cơ sở tham gia hoạt động tại địa phương cập nhật quy định pháp luật, kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh cho phù hợp.

img_4127.jpg
An toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh minh họa).

Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 137 chợ, 3 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 62 cửa hàng tiện lợi (15 cửa hàng Vinmart+, 44 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 3 cửa hàng Co.opfood) và 2 kho chứa hàng hóa thuộc chuỗi hệ thống Bách Hóa Xanh (trong đó có 1 kho hàng phục vụ kinh doanh online). Được biết, các hệ thống chuỗi cửa hàng đang hiện diện tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với chợ truyền thống, đến nay đã triển khai “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” tại chợ Chợ Lầu, huyện Bắc Bình (đi vào hoạt động từ năm 2018)… Thuộc lĩnh vực quản lý (rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo), hàng năm Sở Công Thương đều phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho đối tượng là tổ quản lý hoặc ban quản lý, các tiểu thương trong chợ. Thông qua đó tập trung phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như tránh kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tiếp tục được Sở Công Thương tích cực triển khai, như tuyến tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 87/87 cơ sở. Còn tại tuyến huyện, theo tổng hợp số liệu từ các địa phương thì đến cuối tháng 8/2022 đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 179/370 cơ sở thuộc diện cấp giấy theo phân công, phân cấp quản lý. Ngoài ra việc cấp giấy tiếp nhận bản tự công bố, hoặc quản lý đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm luôn được ngành quan tâm thực hiện…

Với hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng được xúc tiến thông qua công tác kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, quy định pháp luật về thương mại và an toàn thực phẩm. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh, hướng đến ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe lẫn quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.

Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh về các nội dung liên quan an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, hậu kiểm cũng như trang bị kiến thức, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả chất lượng thực phẩm. Mặt khác kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm chấn chỉnh, răn đe kịp thời…

Trong hơn 10 năm qua (từ 2011 đến nay), Sở Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng ngàn cơ sở sản xuất - kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý hơn 1.450 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước 4.456 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu về: Vi phạm các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Hoặc không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm…

Đ.QUỐC

Related articles
Cơ cấu lại nền kinh tế: Tạo bước đột phá trong phát triển các ngành chủ lực
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, Bình Thuận hướng đến tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý an toàn thực phẩm: Hướng đến ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng