Quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19 ở Hà Nội

14/12/2021, 10:02

Từ khi số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội gia tăng cũng là lúc Bệnh viện Thanh Nhàn- cơ sở điều trị tuyến cuối của thành phố phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 ở tầng điều trị thứ nhất, thứ 2 và thứ 3. Các khu vực này đã bắt đầu bị quá tải. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, theo phân công của Sở Y tế, bệnh viện có 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng đang tiếp nhận tới gần 150 bệnh nhân: “Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang quá tải bệnh nhân Covid-19. Ở tầng thứ 2 có gần 20 bệnh nhân chuyển nặng, khu vực tầng 3 có 40 bệnh nhân từ thở oxy cho đến can thiệp bằng máy thở. So với công suất được giao đã gấp 150%…".

Những ngày gần đây số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn ở mức cao. Đặc biệt, tối ngày 12/12 ghi nhận 980 ca F0, cao nhất trong đợt dịch lần thứ 4 này. Số ca mắc gia tăng là áp lực lớn đối với các cơ sở điều trị, gây quá tải bệnh nhân, có thể làm gia tăng số ca tử vong.

Mặc dù đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, nhưng hiện nay mỗi ngày, tại Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn có từ 20 đến 30 trường hợp đến khám sau khi có kết quả test nhanh dương tính tại nhà.

90% số trường hợp test nhanh dương tính tại nhà, sau khi được Bệnh viện Thanh Nhàn xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR để khẳng định chắc chắn thì đều có kết quả dương tính. Nhiều trường hợp đề nghị được nhập viện điều trị nhưng hiện nay bệnh viện chỉ tiếp nhận nội trú đối với những bệnh nhân có biểu hiện nặng...

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, điều đáng nói là những bệnh nhân Covid-19 vượt tuyến này đều không được y tế cơ sở biết đến: “Việc bệnh nhân tự di chuyển đến bệnh viện sau khi test nhanh phát hiện dương tính tại nhà không chỉ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình bệnh nhân di chuyển mà còn gây tình trạng quá tải cho bệnh viện".

Ngoài Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội còn có 4 bệnh viện khác là cơ sở tuyến cuối của thành phố điều trị bệnh nhân Covid-19, đó là bệnh viện Đức Giang, Đống Đa, Hà Đông và Bắc Thăng Long. Tại những bệnh viện này, giường điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã kín chỗ. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 4.000 F0 thể nhẹ và vừa đang được theo dõi, điều trị tại khu đô thị Tứ Hiệp ( huyện Thanh Trì), khu đô thị Đền Lừ (quận Hoàng Mai), cơ sở ký túc xá Đại học Phenikaa (quận Hà Đông) và cơ sở Thượng Thanh (quận Long Biên). Đó là chưa kể hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 khác đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế lưu động hoặc được theo dõi tại nhà. Nếu những trường hợp F0 này chuyển nặng thì sẽ là áp lực lớn hơn cho các tầng điều trị phía trên.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân ở phố Nghĩa Dũng, Ba Đình lo ngại, càng quá tải bệnh nhân Covid-19 thì càng ảnh hưởng đến việc điều trị những loại bệnh khác tại các bệnh viện: “F0 nhiều trong cộng đồng hiện nay khiến chúng tôi rất lo. Số ca Covid-19 nhập viện tăng thì các bác sĩ lại phải làm việc nhiều hơn, áp lực sẽ nặng nền hơn. Không thể nói là các bệnh nhân khác không bị ảnh hưởng nếu như khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 bị quá tải…”.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời điểm cuối năm giao thương tăng cao, thời tiết giao mùa cùng tâm lý chủ quan có thể dẫn đến số ca mắc tại Thủ đô tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, vượt qua ngưỡng 1.000 F0/ ngày. Thành phố đã có giải pháp đáp ứng điều trị cho 100.000 ca bệnh Covid-19. Hiện nay số bệnh nhân đang điều trị là gần 8.000 trường hợp. Ngoài việc mở rộng cho F0 không có triệu chứng được theo dõi tại nhà, Sở Y tế đã kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục mở rộng các cơ sở điều trị F0 thể nhẹ và vừa để giảm tải cho các cơ sở ở tầng điều trị phía trên: “Chúng tôi đã có phương án phân tầng, phân luồng khoa học tránh quá tải tuyến trên. Bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị ngay tại nhà hoặc trạm y tế lưu động"...

Nhiều chuyên gia nhận định, diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay đang khá giống với TP.HCM dịp tháng 7 vừa qua, tức là đang ở giai đoạn nguy cơ xảy ra thảm họa với số ca tử vong ở mức cao nếu tất cả các bệnh viện đều không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19. Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục đầy khó khăn là không để hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, Thành phố Hà Nội cần tháo gỡ những bất cập hiện nay, đó là vẫn còn nghịch lý khi F1 đi cách ly tập trung trong khi F0 được theo dõi tại nhà, nhất là khi trung bình cứ 100 F1, thì chỉ có 7-10 người thành F0. Nhân viên y tế tại tuyến huyện và xã tại các vùng dịch đang quá tải công việc, nhân lực mỏng nhưng số F0, F1 ngày càng tăng… Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19 đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt khi màn thử thách tiếp theo là biến chủng mới Omicron đang rình rập và có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.

Văn Hải/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quá tải bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19 ở Hà Nội