Ai mà không thích. 4 chiếc hộp nhựa nhỏ bên trong được đóng nắp cẩn thận đựng bột trắng tinh, mỗi hộp được ghi bằng bút phốt màu đen 2,5 kg. Tôi tính nhẩm tổng cộng là 10 kg. Đây là bột nưa, thứ bột làm từ củ khoai nưa; khi còn nhỏ ở quê và đến tận bây giờ tôi vẫn ưa thích vô cùng. Xa quê hương hơn 30 năm, tôi chưa được ăn thứ bột này được trồng ở nơi khác không phải Bình Thuận bao giờ, dù chỉ một lần. Quê tôi vùng đất cát, mưa nắng hai mùa rõ rệt trong năm; khoai nưa không được người nông dân trồng nhiều để bán rộng rãi ra thị trường bởi vì thời gian trưởng thành có hoa, có củ kéo dài gần đến 10 tháng thì khoai mới già và cho nhiều bột. Chính vì thế, từ tháng 4 đến tháng 5 mẹ tôi thường đem giống khoai trồng xung quanh nhà, đặc biệt là gần nơi xả rác, đổ nước thải; cây tốt nhất khi được trồng xung quanh nơi rửa chén sau hè.
Sau một thời gian dài gần như bỏ quên, một phần do bận nhiều công việc khác ít ai chú ý đến vì lá khoai vẫn xanh tốt. Đến đầu tháng chạp, lá khoai ngả sang màu vàng gây chú ý cho chủ nhân là củ đã già. Mẹ tôi thu hoạch khoai, phơi cho ráo rồi bắt đầu công đoạn làm bột. Củ khoai nưa có kích thước giống như khoai mỡ, khoai tây ở Đà lạt, không lớn lắm chỉ vừa lọt trong lòng nắm tay người lớn. Làm bột khoai nưa không khác và cũng không gì khó lắm so với làm bột khoai mì, khoai bình tinh, khoai lang… Nhưng mẹ tôi thường làm kỹ hơn, lọc qua nhiều lần nước, đem phơi nơi khô ráo; bột trắng tinh, bột không bị úa vàng thì mới đạt yêu cầu. Bột khoai nưa ngoài công dụng làm thực phẩm ăn no khi đói lòng, bột còn rất tốt cho bao tử, trị được chứng bệnh táo bón, giảm cân, ngăn ngừa béo phì, ổn định đường huyết, tăng cường sức khỏe làn da, kiểm soát tăng đường huyết, ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch và nhiều công dụng khác…
Cất 4 chiếc hộp bột khoai sang một bên, quà của mẹ còn gửi cho vợ chồng tôi là những bịch đậu đen xanh lòng. Đây là thứ nông sản, khi chưa lên thành phố học đại học thì hàng năm gia đình tôi thu hoạch vài ba trăm kg bán ra thị trường. Những năm được mùa, được giá đã góp phần nuôi sống cả gia đình trong thời bao cấp còn nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ mẹ tôi đã lớn tuổi, anh em tôi mỗi người một nơi, không sống tập trung nên mẹ chỉ trồng đậu đen xung quanh hè. Đây cũng là công việc nhẹ, phù hợp với sức lao động già yếu của mẹ. Một phần mẹ thấy đất bỏ trống lãng phí, một phần mẹ thương nhớ anh em chúng tôi, đứa nào khi về nhà thăm mẹ cũng luôn mồm hỏi “năm nay có đậu đen không mẹ”. Đậu đen đất cát hạt chắc, nhưng rất bùi; ai đi xa khi ăn là nhớ quê hương, nhớ một thời nghèo khổ. Đậu đen nấu với xôi, nấu với khoai lang khô, hầm với bắp… cứu đói qua ngày. Đặc biệt là những ngày mùa đông, ngày hết tết đến ăn chén chè đậu đen nấu với những lát gừng xắt mỏng thì không nhớ gì bằng nhớ quê hương. Thùng quà bên trong còn có vài trái thanh long chín đỏ còn tươi mới vừa cắt từ các trụ thanh long xung quanh nhà; vài trái đu đủ loại cao sản, cây thấp trái to, những trái mãng cầu xiêm, hai trái dừa và những trái xoài xanh con thơm mùi mủ. Không biết nghe ai hay từ kinh nghiệm ông cha ngày xưa để lại mà mẹ cũng đã gói vào trong lá chuối một ít vôi để gửi quà cho tôi, với tờ giấy vài dòng chữ “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Mẹ mong là để xây nhà, dùng để ăn trầu, dùng để rải bốn góc nhà để đuổi tà. Cũng vì họ quan niệm “bạc như vôi”, vôi là sự bạc bẽo, tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt, vì vậy không nên mua vôi đầu năm. Mua vôi vào dịp cuối năm chính là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, để chuẩn bị đón một năm mới.
Bày hết từng đó thứ ra sàn nhà, tôi vội vàng nhấc chiếc điện thoại gọi cho mẹ: “A lô – mẹ ơi, vợ chồng con nhận được quà rồi, cảm ơn mẹ, nhưng tết nay con sẽ về quê ăn tết với mẹ, ít nhất mùng hai con mới đi, có quà gì con mang theo luôn”. Mẹ biết là như vậy, nhưng gửi được những thứ mà con thích trước tết là mẹ mới mới yên tâm. Những trái cây: cầu, dừa, đủ, xoài và cùng với màu đỏ tươi của thanh long con đơm lên bàn thờ ông bà, thắp nhang trước khi đóng cửa về quê với mẹ cho ấm nhà, ấm cửa. Các món còn lại là những thứ con thích từ khi còn nhỏ; hôm nay chính tay mẹ làm để gửi cho con là tấm lòng của mẹ. Vì sau tết, khi mùng hai con trở lại thành phố thì đi không cho đỡ vất vả phải lỉnh kỉnh mang quà quê.
Nghe đến đó, trong đầu tôi cứ vẩn vơ về câu chuyện của những người nhà quê. Nghĩ về một thời thơ ấu, những ngày cuối năm cả gia đình bận rộn trong khuôn viên mảnh vườn nhỏ, người thì rọc lá chuối để gói bánh tét, bánh chưng; người thì hái đu đủ, hái xoài, hái dừa… để có mâm ngũ quả “cầu, dừa, đủ, xoài, thơm”… Nhớ lại ngày xưa, ước mong học xong ra trường đi làm, cái mác “nhà quê” cũng khiến mình phải tự lực cánh sinh trong khi bạn bè đồng trang lứa được gia đình nâng đỡ, ai cũng công việc ổn định, thu nhập cao. Vậy mà theo thời gian cái cảm giác tự ti ấy dần được khỏa lấp. Giờ đây, khi nhận được quà tết từ quê của mẹ, hai từ nhà quê là một niềm tự hào với tôi vì, người ở phố thích đi du lịch về nhà quê, miệt vườn do môi trường trong lành, đồ ăn không có hóa chất. Người ở phố, có tiền luôn muốn mua một mảnh đất ở quê, thuê người chăm sóc, để dịp cuối tuần hay đến ngày lễ tết lại đánh xe về chở cả quê lên phố. Nhìn những món quà mẹ gửi, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng, thầm cảm ơn mẹ vì vợ và các con tôi luôn mồm khen: Bà nội tuyệt vời.