Hoàn chỉnh kè Ngũ Phụng, Tam Thanh
Xung quanh đảo Phú Quý bây giờ, hệ thống kè chống nước biển xâm thực đang dần khép kín, bảo vệ đảo trước sóng to gió lớn thường đe dọa vào mùa mưa bão, gió bấc cuối năm. Trong lần ra công tác ở đảo mới đây, chúng tôi đứng trên bờ kè vững chãi phía cuối xã Ngũ Phụng, cảm nhận tác dụng thiết thực công trình đã được đưa vào sử dụng này. Nó như một con lươn to lớn chạy dài tít tắp trên bờ biển, đẩy ra những con sóng cao lớn đập vào liên tiếp phía dưới chân tường; che chở cho những con tàu, thúng chai ngư dân đã kịp dời vào. “Kè Ngũ Phụng được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành từ nhiều năm nay. Trong những năm qua, hệ thống kè đã bảo vệ cho nhiều công trình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng gần bờ biển, như các trụ điện gió, đường dây điện trung, hạ thế, tuyến đường nhựa ven biển, đất đai hoa màu của nông dân trên địa bàn Ngũ Phụng”, ông Lê Quang Vinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện cho hay. Một người dân ở xã Ngũ Phụng bảo rằng, có kè chắn sóng bên ngoài, nước giếng đào bên trong đảo ngọt hơn những năm về trước.
Cùng với đó, ở địa bàn trọng điểm Tam Thanh giáp ranh Ngũ Phụng thường hứng chịu áp thấp nhiệt đới, sóng biển xâm thực mùa bấc, các gói thầu xây dựng kè cũng đã được các đơn vị thi công hoàn chỉnh, kết nối với Ngũ Phụng. Qua đó, tuyến kè bảo vệ bờ đoạn lạch Ông Bền thôn Triều Dương, tuyến kè từ chùa Thạnh Lâm đến trước UBND huyện đã vững chãi với kết cấu bê tông tường chắn sóng, bậc thang lên xuống, cống thoát nước… Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Phú Quý đã chủ động đề xuất tỉnh cho phép sử dụng khối lượng đất nạo vét lạch Doi Dừa xã Tam Thanh cùng một số công trình nhỏ trên địa bàn cung cấp gần 30.000 m3 đất bồi nền, để đơn vị thi công hoàn thành 2 tuyến kè chống xói lở bảo vệ bờ biển Phú Quý như bây giờ.
Cần đầu tư kè biển phía bắc đảo
Trong lần Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ra khảo sát hệ thống kè biển Phú Quý cách đây chưa lâu, ông Lê Quang Vinh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo đi cùng đoàn cho biết: “Hiện nay hệ thống kè phía nam đảo thuộc 2 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ bản hoàn thành những năm qua, góp phần bảo vệ bờ biển, chống xâm thực hiệu quả. Tuy nhiên, đoạn kè biển xã Long Hải nằm phía bắc đảo dài gần 3 km chưa được xây dựng, sóng biển lớn vào mùa bấc dễ gây xói lở khu vực ven biển này, ảnh hưởng môi trường sinh thái. UBND huyện đang xúc tiến xây dựng dự án đoạn kè này, ước tính vốn đầu tư 500 tỷ đồng/1km bờ biển; kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tổng hợp trình Quốc hội khóa XV để đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong những năm tới. Đoạn kè xã Long Hải được đầu tư sẽ khép kín vành đai kè biển Phú Quý, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển bền vững hơn”. Có mặt cùng đoàn hôm ấy, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng Phú Quý chia sẻ thêm: “Đặc điểm khu vực ven biển Long Hải có nhiều bãi rạn xuất hiện khi nước thủy triều về chiều rút xuống ra xa. Nếu xây kè lấn biển bao quanh các bãi rạn này sẽ lợi đôi bề, vừa chống triều cường, xói lở, vừa có thể lấn biển, tăng thêm diện tích cho đảo. Chúng tôi sẽ đề xuất trong dự án xây dựng kè biển Long Hải về vấn đề này, để các cấp thẩm quyền tỉnh, Trung ương xem xét”.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Quý chỉ đạo ban, ngành huyện thuê tư vấn khảo sát, hoàn thiện dự án kè biển xã Long Hải bài bản, mở rộng, kết nối vành đai kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý đã thi công hoàn thành. “Đây là dự án cần nguồn đầu tư rất lớn, ước trên 1.000 tỷ đồng, với tư cách đại biểu chuyên trách, tôi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội vào các kỳ họp sau để có kế hoạch cân đối từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2025 - 2030; bởi các dự án có nguồn vốn lớn trong giai đoạn này Quốc hội cơ bản đã xem xét phê duyệt cho các địa phương”, ông Lê Quang Huy chia sẻ. Phú Quý đang có hướng ra để kết nối kè biển hoàn chỉnh, vững chắc, lâu dài.