Nỗ lực triển khai
Hàm Thuận Bắc – huyện nằm phía bắc tỉnh, có 17 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Cũng như các huyện, thị khác, những năm qua huyện đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở... để đưa pháp luật vào cuộc sống.
Cụ thể, các phòng ban của huyện thường xuyên phối hợp thực hiện theo tinh thần kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm. “Hàng năm cứ có văn bản nào mới hoặc vụ việc nổi cộm, Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện mở các lớp tập huấn tuyên truyền cho cán bộ, công chức, nhân dân. Điển hình, năm 2022 nổi cộm lên việc mua bán đất 04, phòng phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường mở các lớp tuyên truyền về đất đai ở các xã vùng cao. Ngoài ra, phối hợp với Hội Luật gia, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đến các xã tuyên truyền các văn bản pháp luật”, chị Tuyết Hồng – cán bộ Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ.
Trước đó, trong năm 2021 ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin tuyên truyền pháp luật qua loa phát thanh. Khi dịch bệnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì đẩy mạnh tuyên truyền hơn bằng cả gián tiếp và trực tiếp. 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã tổ chức cấp phát 80 cuốn sổ tay tình huống pháp luật về thực hiện Đề án tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027 cho UBND 17 xã, thị trấn. Mở 6/10 hội nghị tập huấn với 2/3 diễn đàn, nội dung chủ yếu tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy...
Tuy vậy trong quá trình triển khai, Phòng Tư pháp huyện cũng như các xã nhận thấy cách tuyên truyền, phổ biến bằng hội nghị gói gọn trong bốn bức tường, phù hợp với cán bộ, công chức, chiến sĩ hơn là người dân vốn quen với việc ruộng đồng, nương rẫy. “Tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa ngoài trời thu hút người dân. Họ sẽ đến xem và nhớ lâu hơn là mời họ đến hội trường văn hóa xã để nghe tuyên truyền. Nếu có điều kiện nên tổ chức theo hình thức này người dân sẽ nâng cao nhận thức pháp luật hơn”, ông Nguyễn Phi Hổ - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Chú trọng lồng ghép
“Hình thức sân khấu hóa ngoài trời hiệu quả, nhưng đổi lại tốn kém về kinh phí và con người nên tùy điều kiện sẽ tổ chức. Chính cái khó đó nên chúng tôi khuyến khích các xã lồng ghép thêm vào các lễ hội làng, nói chung sự kiện nào có thể lồng ghép được sẽ khuyến khích làm. Có như vậy pháp luật mới đi vào cuộc sống”, ông Hổ nói.
Nhiều xã vùng cao Hàm Thuận Bắc đang vận dụng theo các hướng dẫn của Phòng Tư pháp, điển hình như xã Đông Giang. Đây là một trong những xã đi đầu trong thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2016 và 2017 - 2021”, do Hội Luật gia tỉnh chủ trì. Chi hội trưởng Hội Luật gia Đông Giang K’Văn Bển chia sẻ, ngay cả phát quà từ thiện cho người nghèo cũng lồng ghép pháp luật tuyên truyền. Đơn giản nói rằng, bà con nhận quà rồi thì không nên đốt rẫy gây cháy rừng, thiệt hại ảnh hưởng cuộc sống của chính mình... Tổ chức văn nghệ lễ, tết bà con đến xem cũng xen kẽ luật vào nói chuyện. Nói chung phối hợp phổ biến đủ mọi hình thức bao gồm cả tổ chức thi có thưởng như thi hát karaoke, nếu ai không hát được phải trả lời câu hỏi về luật...
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhiều, thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đã tạo ra áp lực nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật rất cần thiết để luật pháp đến được với mọi tầng lớp nhân dân.