Lời người trong cuộc
“Đắn đo, chần chừ suy nghĩ nhiều lần rồi cũng đã đặt bút ký vào đơn xin thôi việc sau nhiều năm cống hiến cho ngành y. Một việc làm mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của mình” - P nhắn tin như vậy cho tôi sau khi có quyết định thôi việc vào đầu tháng 6 vừa rồi. P làm điều dưỡng ở khoa cấp cứu của một bệnh viện công trên địa bàn tỉnh, có 8 năm trong nghề. P chia sẻ, công việc của điều dưỡng ở khoa cấp cứu vô cùng vất vả, căng thẳng, mệt mỏi nhất là trong giai đoạn dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.
“Bình thường nghề điều dưỡng ở khoa cấp cứu đã cực khổ, khó nhọc. Làm ngày, trực đêm. Thế nhưng trong dịch Covid -19 công việc còn áp lực, nặng nề và căng thẳng hơn. Cả vài tháng trời không được về nhà, chuyện con cái, gia đình phó mặc cho ông bà nội, ngoại 2 bên. Vì tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc, với bệnh nhân mình đã cố gắng nỗ lực vượt qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn này. Tuy nhiên, sau dịch tạm ổn thì áp lực công việc vẫn rất nhiều, rồi cùng một lúc phải làm thêm nhiều công việc khác nhau không đúng sở trường, chuyên môn, khiến mình kham không nổi”, P cho biết.
Cũng theo P, việc thu nhập thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến P nghỉ việc. “Nơi mình làm cũng có nhiều y, bác sĩ nghỉ việc vì lương rất thấp. Chẳng hạn tổng thu nhập của mình gồm tiền lương, tiền trực đêm và các khoảng khác cộng lại chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Không đủ sống, thiếu trước hụt sau vất vả lắm. Điều kiện kinh tế quá eo hẹp nên mình nghỉ việc để kiếm công việc khác tốt hơn, nhưng trước mắt sẽ có thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái”, P nói.
Cũng theo chia sẻ của nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, thời gian qua công việc nhiều, phải trực nhiều, môi trường làm việc không đảm bảo thế nhưng mức lương lại rất thấp, thậm chí đến tháng lãnh lương mà vẫn phải chờ đợi từ tháng này qua tháng nọ. “Trăn trở lắm chứ, khi mà bệnh viện tư mời ra làm với mức lương cao hơn, môi trường làm việc cũng tốt hơn. Suy đi tính lại, thì tôi cũng quyết định lựa chọn bệnh viện tư để đổi mới môi trường và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Bởi tôi không thể cống hiến mãi mà cũng phải lo đến kinh tế của gia đình nữa”, một bác sĩ đã nghỉ việc cho hay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, riêng năm 2021 con số này là hơn 5.200, và 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh, thành có số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao. Sở Y tế Bình Thuận cho biết, trong 2 năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 310 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc và nghỉ hưu theo quy định, trong đó 133 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành y tế tỉnh đã giải quyết 38 đơn thôi việc của nhân viên y tế.
Đâu là giải pháp?
Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghỉ việc hàng loạt của nhân viên ngành y tế, mới đây ngày 4/7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân đã có nhiều chính sách tốt trong việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là đối với y, bác sĩ có tay nghề, trình độ, chuyên môn cao. “Áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid -19 bùng phát đến nay. Bình thường đã có rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc hơn, phát sinh hết việc này đến việc khác… Đặc biệt môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng”, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngoài những nguyên nhân trên, còn các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế... “Để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y, bác sĩ... ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Có thể nói, áp lực cơm áo gạo tiền, thời gian cho gia đình đã khiến nhiều y, bác sĩ nghỉ việc. Việc này cũng đồng nghĩa với người dân nghèo khó tiếp cận với bác sĩ có chuyên môn giỏi. Thay đổi cơ chế chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực đúng với công sức họ bỏ ra là việc làm cần thiết trong thời điểm này.