Tại tỉnh, bệnh SXH lưu hành quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, từ tháng 7 - 10. Tuy nhiên những năm gần đây, bệnh có diễn biến khá bất thường và xuất hiện vào những tháng nắng nóng. Vì thời tiết nắng nóng nên người dân có thói quen tích trữ nước nhưng lại không có nắp đậy, chứa nước không đúng cách tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển… Ngành y tế khuyến cáo, khi thấy người bệnh sốt cao, nhất là trẻ em sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, người nhà không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà mà đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán SXH sớm và điều trị kịp thời.
Thường xuyên súc lu chứa nước để diệt lăng quăng.
Tính đến ngày 5/6/2022, Bình Thuận ghi nhận 680 trường hợp mắc SXH. Số mắc nhiều nhất tập trung ở các huyện: Tánh Linh (185 ca), Đức Linh (135 ca), Hàm Thuận Bắc (103 ca), Bắc Bình (94 ca); các huyện còn lại có số mắc rải rác.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bình Thuận chưa ghi nhận trường hợp tử vong, tuy nhiên hiện nay bệnh SXH đang có dấu hiệu gia tăng ở một số địa phương trong những tuần gần đây. Thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Năm 2022 rơi đúng vào chu kỳ 3 năm của loại dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa nên nguy cơ bùng phát bệnh trên diện rộng là rất cao. Để hạn chế bệnh SXH bùng phát, ngành y tế cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tác động tới ý thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh SXH; tuyên truyền hướng dẫn người dân cách dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa và không gian thoáng mát, thu gom, loại bỏ các vật liệu phế thải tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống…
Phun thuốc diệt muỗi nhằm ngăn ngừa bệnh SXH
Theo Sở Y tế Bình Thuận, các trung tâm y tế tập trung, chủ động tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi để bảo đảm tất cả các hộ gia đình vùng có dịch và vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi 100% hộ gia đình trong ổ dịch… Đồng thời, các trung tâm y tế thực hiện tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị, các biện pháp phòng, chống chủ động từ mỗi người dân là yếu tố quan trọng, quyết định trong công tác phòng, chống bệnh SXH.