Hướng tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022): Những ân tình từ cơ sở

20/06/2022, 05:52

“Chân đi”. Đó là câu nói quen thuộc mà những người thân thương thường gắn cho tôi mỗi lần thấy mặt. Chọn nghề báo, gắn với nghiệp viết, có lẽ không phải tôi mà ai cũng phải rong ruổi như thế. Nhưng đổi lại, mỗi ngày chúng tôi đều được trải nghiệm nhiều điều mới lạ. Có vui, có buồn và quan trọng những ân tình ấy, những khó khăn ấy giúp người cầm bút “sống chất” hơn, trưởng thành hơn.

Tờ báo in Báo Bình Thuận đã phát hành 5 số/tuần, riêng báo điện tử cập nhật thông tin liên tục, đòi hỏi những người làm báo Đảng giờ đây không được phép đóng khung trong một khuôn mẫu. Không bó hẹp ở môi trường cố định, không lặp đi lặp lại một công việc hàng ngày, hàng tuần, là phóng viên, chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng “xách ba lô lên và đi”.

dscn2614.11.jpg
Tác giả chụp hình cùng các em học sinh trong một lần tác nghiệp tại hội thi nghi thức Đội TP. Phan Thiết.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi mới vào nghề, tôi cũng nhìn bằng đôi mắt ngây thơ, toàn hoa hồng, nhưng khi dấn thân mới thấy nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Đầu tiên phải kể đến là những chuyến đi công tác, dù có sự chuẩn bị chu đáo nhưng thực tế lại không như mình nghĩ. Nhớ khi thực hiện bài về cô giáo “lội cát” gần 5 km ở điểm Trường tiểu học Tiến Thành 2 (TP. Phan Thiết) mang con chữ đến với những em học trò nghèo vùng biển. Con đường đi xuống khá dốc, khúc khuỷu, chỉ rộng khoảng 1 m, nhưng trong khi thực hiện, người dân sống ở phía dưới lùa đàn bò đi ăn, khiến anh em chúng tôi phải vội vàng chạy ngược lên một quãng xa để tránh. Hay khi làm bài, video clip về một phụ nữ trẻ khởi nghiệp từ chế biến trái thanh long. Tới nơi, nhà xưởng còn đúng 2 ky thanh long và chỉ thấy bóng dáng người chủ mà không có công nhân làm việc. Chị chủ thiệt thà: “Dù em đã báo trước nhưng lần đầu được ghi hình, cứ nghĩ chuẩn bị nhiêu đã đủ”. Không đủ tư liệu, chúng tôi đành phải quay trở lại với buổi làm việc sau.

Mỗi lần đi thực tế, ngoài việc gặp nhân vật của bài viết, tôi còn nhận được những ân tình của xứ sở. Nhiều người sẵn sàng đùm bọc tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp phóng viên thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đó là chuyến đi về xã Phú Lạc (Tuy Phong) ghi nhận thiệt hại của người nông dân sau cơn mưa và xả lũ. Trưa nắng, con đường vào rẫy chưa rút nước lại gập ghềnh sỏi đá khiến tay lái của tôi chuệnh choạng, nhiều lần suýt lao xuống ruộng. Suốt chặng đường dài, người và xe ướt sũng và luôn trong trạng thái căng thẳng làm sao giữ cho chiếc xe không chệch đường. Anh cán bộ nông nghiệp dẫn đường cứ đi được một quãng lại dừng xe động viên. Cho tới khi đến nơi, nhìn những rẫy ớt, cà đang vào vụ thu hoạch đều ngã rạp, nhuốm một màu bùn nâu, có đám lớp đất phía trên cũng bị cuốn phăng, chỉ còn trơ lại đá là đá. Nhìn gương mặt bần thần, khắc khổ chất chứa lo toan bởi gánh nặng cơm áo, bởi khoản nợ ngân hàng đã tới kỳ, bởi đến tháng gửi tiền học cho con của các lão nông, thì những vất vả, mệt nhọc của tôi trong buổi làm việc ấy có đáng là gì. Tôi càng thấy trân quý hơn những điều mình đang có, biết bằng lòng với hiện tại, biết nghĩ đến những điều xa xôi - nói theo ngôn ngữ các bạn trẻ là “sống chậm” để hiểu nhiều hơn về cuộc đời.

4 năm gần đây, tôi được phân công phụ trách mảng văn hóa, tuy ít phải chạy theo sự kiện “nóng”, mang tính nổi bật, có sức ảnh hưởng, nhưng luôn trong áp lực chuyên môn, đòi hỏi bút pháp phóng khoáng hơn, làm mềm mại đề tài đang khai thác. Rồi những buổi tối, ngày cuối tuần, ngày lễ, chúng tôi đều phải chia nhau đi làm... Lại nghĩ, nghề nào mà không có những khó khăn, huống chi nghề làm báo là nghề đặc thù.

Cũng từ các chuyến đi ấy, tôi có cơ hội gặp được những người anh, người chị, những bác nông dân thương mến, cho đến nay vẫn thường gọi điện thăm hỏi, động viên trong công việc. Đó là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, thêm năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục guồng quay công việc của một nhà báo, là thông tin, phản ánh đúng sự thật về đời sống của người dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của họ. Tự hào với nghề, những người làm báo luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, viết sao cho xứng đáng với tình cảm chân chất mà nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa đã dành trọn vẹn và gửi gắm, để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

THÙY LINH

Related articles
Tôn vinh nghề báo
BT- Từ mọi miền đất nước, những người làm báo đại diện cho các loại hình báo chí, các dân tộc anh em cùng hòa chung sắc màu truyền thống về thủ đô, để được giao lưu và tôn vinh nghề báo.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022): Những ân tình từ cơ sở