Xung đột Nga - Ukraine kéo thế giới vào những cuộc khủng hoảng tồi tệ

03/06/2022, 15:21

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 100 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ gây thiệt hại cho cả 2 bên, cuộc xung đột này còn kéo thế giới vào khủng hoảng lương thực và làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Cuộc chiến ở Ukraine, theo nhiều chiều hướng, đang gây ra những tác động đa tầng đối với nền kinh tế thế giới vốn đã chịu tác động nặng nề vì đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, từ đó để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển.

Theo một báo cáo gần đây của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), xung đột Nga-Ukraine tác động trực tiếp tới châu Phi, làm gián đoạn thương mại, đẩy giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô cùng các thách thức an ninh khác. Các quốc gia châu Phi đặc biệt bị ảnh hưởng vì phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

xung(3).jpeg
Giá lương thực tăng cao làm trậm trọng thêm nạn đói ở Châu Phi. Ảnh: AP

Giá lương thực tăng cao, nguy cơ nạn đói ở Châu Phi

Ở thủ đô Mogadishu của Somalia, số tiền chị Ayan Hassan Abdirahman phải chi để mua lượng bột mì làm bữa sáng cho 11 đứa con đã tăng gấp đôi với cách đây vài tháng.

Theo các số liệu của Liên Hợp Quốc, châu Phi nhập khẩu tới 44% nhu cầu lúa mì từ Nga và Ukraine trong giai đoạn 2018-2020. Tại Somalia, gần như toàn bộ lúa mì ở nước này đều có nguồn gốc từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, các chuyến hàng xuất khẩu qua Biển Đen đã bị dừng lại kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2.

Sự việc diễn ra ở thời điểm tồi tệ đối với lục địa đen: Liên Hợp Quốc cảnh báo khoảng 13 triệu người ở vùng sừng châu Phi có thể đối mặt với nạn đói vì hạn hán kéo dài.

Ông Haji Abdi Dhiblawe, một doanh nhân chuyên nhập khẩu bột mì vào Simalia lo ngại tình hình hiện nay sẽ càng tồi tệ hơn. Không chỉ khó nhập khẩu bột mì từ Nga hay Ukraine, ngay cả đội tàu vận chuyển lương thực từ bất cứ nơi nào khác trên thế giới ở thời điểm này cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng.

“Chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao khi các nguồn cung cấp hiện có đều cạn kiệt”, ông Dhiblawe nói.

Trong khi đó Ngân hàng phát triển châu Phi đã ghi nhận giá lúa mì tại lục địa đen tăng tới 45%. Điều này khiến cho mọi thứ từ bánh mì ngọt couscous ở Mauritania tới bánh donut ở Congo đều trở nên đắt đỏ hơn.

“Châu Phi khổng thể kiểm soát việc sản xuất hay chuỗi hậu cần và hoàn toàn phụ thuộc và tình hình bên ngoài”, Tổng thống Senegal Macky Sall nhấn mạnh.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ukraine là một trong những “vựa lương thực” của thế giới. Nước này vận chuyển hầu hết nông sản qua cảng Odessa trên Biển Đen và cảng Azov ở thành phố Mariupol. Tuy nhiên, chiến sự đã khiến cảng Azov bị tê liệt hoàn toàn, trong khi cảng Odessa bị Hạm đội Biển Đen của Nga phong tỏa.

Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái đang mắc kẹt và có nguy cơ bị hỏng ở Ukraine khi cảng biển bị phong tỏa, khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Tuần trước, Ông Putin nói rằng Moscow “sẵn sàng đóng góp đáng kể vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các hạn chế có động cơ chính trị áp đặt đối với Moscow.

Nga cũng cáo buộc chính phương Tây đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Không chỉ Ukraine, Nga cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc và nông sản hàng đầu thế giới. Hiện nay, việc xuất khẩu ngũ cốc và hoa màu từ Nga sang một số quốc gia đã bị tê liệt do Mỹ và nhiều nước châu Âu cấm tàu Nga vào cảng của họ.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ năm 1970

Bên cạnh khủng hoảng lương thực, thế giới cũng đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng cao đột biến, từ xăng dầu, khí đốt tự nhiên đến than đá. Nhiều người lo ngại, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm những năm 1970 tới nay.

khung_hoang_nang_luong-1-.jpg
Thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Ảnh: CNN

Từ cuối năm 2021, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, châu Âu đã phải đối mặt với giá khí đốt, than đá và dầu mỏ ở mức cao.

Ông McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, cho rằng, từ lúc đó, thế giới đã bắt đầu tiến dần vào một cuộc khủng hoảng. Xung đột Nga-Ukraine khiến cuộc khủng hoảng đó đến nhanh hơn và nghiêm trọng hơn.

Khi cuộc chiến mới bùng phát, phương Tây vẫn tránh nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng Nga bởi đây là nguồn cung cấp quan trọng đối với thị trường toàn cầu. Nga không chỉ là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới mà còn là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và là nhà cung cấp than lớn.

Nhưng khi sự tàn khốc của cuộc chiến trở nên rõ ràng, Mỹ và các nước khác bắt đầu cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nga đã trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách hạn chế hoặc thậm chí ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên sang nhiều nước châu Âu.

Một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ lo ngại, trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 mà chưa thấy hồi kết, thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng có thể tương đương, thậm chí tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và đầu những năm 1980, đặc biệt sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Không giống như những giai đoạn trước đây, cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ có dầu mỏ.

“Hiện tại chúng ta có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt và một cuộc khủng hoảng điện năng. Cuộc khủng hoảng năng lượng này lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970-1980 và nó sẽ còn kéo dài”, Ông Fatih Birol, người đứng đầu nhóm giám sát Cơ quan Năng lượng Quốc tế trả lời phỏng vấn Der Spiegel đầu tuần này.

Cho đến nay, phần lớn nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể chống chọi với giá năng lượng tăng cao. Nhưng giá có thể tiếp tục tăng lên mức không bền vững khi châu Âu tìm mọi cách để loại bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Sự thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến một số lựa chọn khó khăn ở châu Âu, bao gồm cả việc phân chia tỷ lệ sử dụng.

Từ tháng 3, IEA đã kêu gọi các nước xem xét giải pháp quyết liệt cắt giảm nhu cầu dầu, bao gồm giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể, áp dụng ngày Chủ nhật không ô tô ở các thành phố…

Theo ông Birol, một số nước đã sẵn sàng giải phóng thêm các kho dự trữ khẩn cấp để kiềm chế tình trạng giá cả tăng cao. Tuy nhiên, ngay cả việc giải phóng kho dự trữ khẩn cấp ở mức kỷ lục của Mỹ cũng chỉ có tác động “thoáng qua” đối với giá xăng dầu.

Ông Birol cho rằng, có một số yếu tố khác có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay như thỏa thuận hạt nhân Iran, suy thoái kinh tế sâu hơn ở Trung Quốc (dẫn tới nhu cầu ở thị trường lớn nhất thế giới tiếp tục giảm) hoặc Saudi Arabia và các nhà sản xuất OPEC đạt thỏa thuận tăng sản lượng khai thác.

Một bước đột phá ngoại giao kết thúc cuộc chiến ở Ukraine cũng như việc Mỹ các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ Nga mới là yếu tố thay đổi tình hình./.

VOV.VN

Related articles
Trung Quốc gia tăng sức ép khi New Zealand thân thiết hơn với Mỹ
Quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm rạn nứt sau khi nước này cùng với Mỹ công khai phản đối chính sách của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề như Tân Cương và Hong Kong.

(0) Comments
Focus
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột Nga - Ukraine kéo thế giới vào những cuộc khủng hoảng tồi tệ