Mỹ và châu Âu bất đồng về việc tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukraine

02/06/2022, 16:08

Ý tưởng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine được một số nước châu Âu công khai ủng hộ nhưng lại vấp phải sự phản đối của Mỹ.

Châu Âu ủng hộ nhưng Mỹ phản đối

Thiệt hại ở Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga gây ra đã khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi tịch thu hơn 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga, hiện đang bị Mỹ và phương Tây đóng băng, và giao cho Kiev tái thiết đất nước.

Động thái này nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu nhưng lại vấp phải sự phản đối của Mỹ. Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo làm như vậy là bất hợp pháp và có thể khiến nhiều nước mất niềm tin vào Mỹ như một thiên đường đầu tư.

my.jpg
Mỹ và châu Âu bất đồng về việc tịch thu tài sản Nga để tái thiết Ukraine. Ảnh: New York Times

Chi phí tái thiết Ukraine được dự báo sẽ là con số “khổng lồ”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính số tiền có thể lên tới 600 tỷ USD sau hơn 3 tháng chiến tranh. Cho dù có tịch thu toàn bộ tài sản của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng ở nước ngoài và chuyển cho Ukraine cũng chỉ đáp ứng được một nửa.

Trong một tuyên bố chung tuần trước, các bộ trưởng tài chính Estonia, Latvia, Litva và Slovakia đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tìm cơ chế để có thể tái thiết các thành phố Ukraine bằng nguồn tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga, buộc Nga “phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và trả giá cho những thiệt hại ở Ukraine”.

Việc tịch thu tài sản của Nga cũng là một trọng tâm trong cuộc họp của các quan chức kinh tế hàng đầu nhóm G7 và ý tưởng này nhận được sự ủng hộ công khai của Đức cũng như Canada.

Mỹ, nước đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm cô lập Nga bằng các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, cho tới nay vẫn tỏ ra thận trọng với vấn đề này. Nội bộ chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tranh cãi về việc có tham gia vào nỗ lực tịch thu tài sản của Nga hay không, trong đó bao gồm cả các tài sản bằng USD và đồng euro mà Nga đã ký gửi từ trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chỉ một phần trong số các tài sản này được gửi ở Mỹ, một phần được gửi ở châu Âu, trong đó có Ngân hàng thanh toán quốc tế ở Thụy Sỹ.

Tại một cuộc họp báo ở Đức hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dường như đã loại trừ khả năng Mỹ tham gia vào các nỗ lực tịch thu tài sản của Nga và chuyển cho Ukraine. Mặc dù vấn đề này vẫn đang được Washington nghiên cứu, nhưng bà Yellen tin rằng, việc tịch thu các tài sản của Nga sẽ vi phạm luật pháp Mỹ.

Mặt khác, nội bộ chính quyền Biden không muốn có bất cứ khoảng cách nào với châu Âu về việc trừng phạt Nga. Vì vậy, Mỹ vẫn đang cố gắng tìm ra điểm chung với các đồng minh.

Theo bà Yellen, ngoài các rào cản pháp lý, việc tịch thu tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương Nga và sử dụng vào mục đích tái thiết Ukraine có thể khiến các quốc gia miễn cưỡng dự trữ bằng đồng USD gửi tại Mỹ hay châu Âu do lo ngại nguồn tài sản này có thể bị tịch thu nếu xảy ra các cuộc xung đột trong tương lai.

Một số quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Biden lo ngại rằng nếu các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga bắt đầu và đạt tiến triển, sẽ không có cách nào để đề xuất dỡ bỏ trừng phạt đối với Moscow một khi nguồn dự trữ của Nga trong các tài khoản ở nước ngoài đã cạn kiệt.

Từ trước khi bà Yellen nêu quan điểm, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng, nếu các tài sản bị tịch thu của Nga được chuyển vào quỹ tái thiết Ukraine, điều này sẽ đặt ra tiền lệ và có thể ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ với tư cách là nơi an toàn nhất thế giới để cất giữ tài sản.

Những tranh cãi về pháp lý

Giải thích rõ hơn cho phát ngôn của Bộ trưởng Yellen, một người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến Luật Thẩm quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA). Theo luật này, Mỹ chỉ có thể tịch thu tài sản của nước khác nếu tổng thống cho rằng Mỹ đang bị nước đó tấn công hoặc “tham gia hành động đối đầu vũ trang”.

Tuy nhiên, các học giả pháp lý của Mỹ không thống nhất về cách diễn giải đạo luật IEEPA.

Theo Laurence Tribe, một giáo sư luật nghỉ hưu của Đại học Harvard, đạo luật IEEPA đã được sửa đổi sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Theo đó, tổng thống được trao nhiều quyền hơn trong việc quyết định liệu một mối đe dọa nước ngoài nào đó có là căn cứ để tịch thu tài sản hay không.

Ông Tribe cho rằng, Tổng thống Joe Biden có thể viện dẫn cáo buộc Nga tấn công mạng nhắm vào Mỹ làm căn cứ để kiểm soát dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga. Mỹ từng tịch thu và tái phân bổ tài sản của Afghanistan, Iran và Venezuela. Những tiền lệ này cho thấy tài sản của Nga không đáng được bảo vệ đặc biệt.

Trong khi đó, ông Paul Stephan, giáo sư luật tại Đại học Virginia cho rằng, Afghanistan và Venezuela là hai trường hợp không thể đem ra so sánh vì Mỹ không công nhận chính phủ của 2 nước này là hợp pháp. Theo ông, Quốc hội Mỹ có thể sửa đổi luật để cho phép nước này có thẩm quyền tịch thu tài sản của Nga, nhưng làm như vậy có thể dẫn đến các cuộc chiến pháp lý phức tạp giữa hai nước.

Cuối tháng 4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép thanh lý tài sản bị tịch thu của các công ty và nhà tài phiệt Nga, số tiền thu được sẽ giúp tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng việc tịch thu tài sản vật chất của các nhà tài phiệt hoàn toàn khác với việc tịch thu dự trữ ngân hàng trung ương của các nước.

Canada cũng đã đưa ra một dự luật vào tháng 4, theo đó cho phép chính phủ có thẩm quyền thu giữ và bán tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt và chuyển số tiền thu được cho Ukraine.

Bà Chrystia Freeland, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada, cho biết trong cuộc họp của nhóm G7 rằng, các nước khác cũng đang xem xét các khuôn khổ pháp lý tương tự.

Trong khi các nước vẫn còn tranh cãi về cách xử lý tài sản của Nga, tháng 5 vừa qua Ukraine đã thông qua luật cho phép tịch thu tài sản của Nga ở Ukraine và sử dụng số tiền này để bổ sung vào ngân sách quốc gia.

Trong bài phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước khác làm điều tương tự bằng cách theo dõi, đóng băng và tịch thu tài sản của Nga.

“Các tài sản đó nên được phân bổ cho một quỹ đặc biệt. Quỹ đó sẽ được sử dụng để giúp đỡ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh”, ông Zelensky nói./.

VOV.VN

Related articles
Anh sẽ gửi hệ thống rocket tầm bắn 80km cho Ukraine
Anh sẽ gửi hệ thống phóng rocket đa nòng cho Ukraine để Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace ngày 1/6 cho biết.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và châu Âu bất đồng về việc tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukraine