Nga hợp tác với Vùng Vịnh, phá thế bao vây và sức ép từ phương Tây

02/06/2022, 16:14

Cuộc gặp mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với 6 người đồng cấp của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) được cho là nhằm tìm kiếm giải pháp bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Mục tiêu của Nga

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu nhất là về lương thực và giá dầu mỏ. Không chỉ chính Nga hay Ukraine mà các nước Arab, Vùng Vịnh, EU và châu Á nói chung cũng bị thiệt hại về kinh tế khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Nga và Ukraine sản xuất khoảng 30% nguồn lúa mì của thế giới. Nga là một trong 10 nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và thành viên của OPEC+.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới ra thị trường toàn cầu và là một nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn. Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của Liên minh châu Âu từ Nga. Do đó chuyến công du Vùng Vịnh của Ngoại trưởng Nga lần này đặc biệt quan trọng. Một là củng cố quan hệ trước sức ép của Mỹ và phương Tây kêu gọi các nước tây chay Nga. Hai là khẳng định sự hợp tác trong đảm bảo an ninh lương thực và ba là hợp tác trong khối OPEC+, liên quan tới sản lượng khai thác dầu mỏ, khí đốt và chính sách giá.

Về mặt chính trị, Nga có thể nhận được sự đảm bảo từ GCC về sự trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine. GCC khẳng định ủng hộ các nỗ lực hòa giải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine, ngừng bắn, giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, ưu tiên đối thoại và giải quyết xung đột thông qua đàm phán. GCC cho biết lập trường về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Về chính sách của khối OPEC+, Nga cũng nhận được sự hợp tác của các nước Vùng Vịnh trong việc duy trì mức sản xuất 420.000 thùng dầu/ngày, con số ít ỏi trong một thế giới tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày. Nga tìm kiếm các quỹ đầu tư mới từ các nước Arab cũng như có thể đạt được các hợp đồng mua bán vũ khí, công nghiệp hóa quân sự và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Phản ứng của các nước Vùng Vịnh

Cuộc gặp của ông Sergey Lavrov với 6 người đồng cấp của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh diễn ra trước thềm hội nghị của nhóm OPEC+, trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu mỏ đang đứng trước sức ép của Mỹ về tăng sản lượng nhằm hạ giá dầu thế giới.

Chuyến công du của ông Lavrov tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng nhưng năng lượng, dầu mỏ và chính sách của OPEC+ có lẽ là trọng tâm chính vì vấn đề này đang là “con bài” chiến lược mà Nga đang sử dụng để gây sức ép với EU và Mỹ. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov diễn ra một ngày trước cuộc họp của OPEC + tại Vienna, nơi nhóm này dự kiến ​​sẽ tuân thủ thỏa thuận sản xuất dầu đạt được vào năm ngoái và nâng mục tiêu sản lượng trong tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày. Dù Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác đã phải chịu sức ép dữ dội từ phương Tây trong việc tăng sản lượng dầu và hạ giá dầu nhưng đến nay các nước này vẫn chống lại những áp lực đó, cho rằng giá dầu tăng là do các yếu tố địa chính trị, khó khăn về công suất lọc dầu và thuế cao ở phương Tây chứ không phải do lo ngại về nguồn cung.

GCC sẽ phối hợp chặt chẽ trên nền tảng OPEC + với Nga nhằm đạt được sự ổn định và dự báo giá năng lượng toàn cầu. Thực tế, Mỹ và phương Tây khó gây sức ép trong chính sách dầu mỏ của OPEC+ cũng như việc nâng sản lượng sản xuất dầu vào thời điểm này. Bên cạnh đó, đây cũng là quân bài mà GCC hay OPEC+ gây sức ép ngược lại với Mỹ và phương Tây trong các vấn đề khác như an ninh khu vực, khủng bố, hạt nhân Iran. Đổi lại Nga cũng sẽ đưa ra những nhương bộ khác như kiềm chế Iran, Hezbollah ở Lebanon và Syria, các hợp đồng mua bán vũ khí, nguồn cung lúa mì… cho các nước GCC.

Với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, vấn đề được quan tâm là an ninh khu vực liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Từ lâu các nước láng giềng Iran ở Vùng Vịnh vẫn lo ngại sự ảnh hưởng của Iran và chương trình hạt nhân của nước này. Do đó nếu quan hệ với trung gian Nga, các nước GCC có thể nhận được sự đảm bảo về an ninh.

Ngoài ra, Nga cũng không can thiệp sâu rộng vào các vấn đề nội bộ của các nước này trong đó có những vấn đề liên quan tới văn hóa, tôn giáo, chính trị, đảng phái. Không chỉ Iran, các nước GCC đang có chính sách cân bằng quan hệ quốc tế. Do đó họ dần hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ để tránh bài học như Afghanistan.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo trẻ GCC hiện nay có đường lối lãnh đạo thực dụng và thực tế, khôn khéo để khẳng định sự độc lập, tự quyết trong nhiều vấn đề trong nước, cũng như khu vực và quốc tế. Tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc lớn trên thế giới là lựa chọn của GCC trong thời gian qua, cả về mặt kinh tế, đầu tư lẫn quân sự. Dù chịu sức ép từ Mỹ và phương Tây, nhưng các nước Arab vẫn giữ lập trường trung lập trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, đồng thời còn chủ động thúc đẩy hòa giải, đối thoại. Thứ hai, GCC có các căn cứ quân sự của Mỹ, vì vậy các nước này không muốn là mục tiêu tấn công nếu xảy ra xung đột quân sự Nga - Mỹ. Điều này dường như là đang đối đầu với Mỹ. Đó là lựa chọn rất khó khăn. Trật tự thế giới mới sẽ được quyết định ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh./.

VOV.VN

Related articles
Cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine: Mỹ, Đức đang “đổ thêm dầu vào lửa”
Hôm qua (1/6), Mỹ và Đức cam kết trang bị cho Ukraine một số vũ khí tiên tiến mà nước này mong muốn từ lâu để có thể bắn hạ máy bay và tấn công hệ thống pháo binh của Nga. Động thái này được nhận định là đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng qua.

(0) Comments
Focus
Lunar New Year 2025: Mui Ne ranked among Top 10 Favorite Domestic Destinations for Vietnamese Travelers
BTO-Booking.com, a leading global online travel platform, has just announced the top 10 domestic and international destinations favored by Vietnamese travelers for the Lunar New Year 2025. Mui Ne (Binh Thuan), renowned for its premium resorts, unique beach sports, and rich culinary offerings, has earned a place among the top domestic destinations.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga hợp tác với Vùng Vịnh, phá thế bao vây và sức ép từ phương Tây