Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận: Bao giờ đưa vào sử dụng?

01/06/2022, 05:11

Là công trình trọng điểm của địa phương, thế nhưng Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng dù từng được UBND tỉnh có công văn chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành…

Đã chậm tiến độ

Dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận được triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Phan Thiết, có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Trong đó gói thầu số 1 - xây lắp hạng mục: Khối nhà chính, các hạng mục phụ (trừ hạng mục cổng tường rào), hệ thống điện, cấp thoát nước, camera, truyền hình và hệ thống thông tin liên lạc, kể cả chi phí hạng mục chung có giá trị hợp đồng là 119.100 triệu đồng.

image-3-.jpg
Các gói thầu thuộc dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đang thi công.

Được khởi công từ giữa tháng 11/2019, tính đến tháng 5/2022 gói thầu này đã thi công hoàn thành phần khung bê tông cốt thép, xây trát tường, lắp dựng giàn thép mái sảnh và hoàn thành lắp đặt hệ giàn không gian, xà gồ mái. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các phần việc như: Bả matit, sơn nước, đóng trần kim loại, ốp lát gạch, lắp đặt lan can thép, vách kính và thi công hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc. Tuy nhiên theo đơn vị chủ đầu tư - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay không thể hoàn thành công tác hoàn thiện nêu trên do chưa lợp được mái công trình… Như vậy sau 2 lần được UBND tỉnh có công văn chấp thuận gia hạn, gói thầu số 1 thuộc dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận vẫn chưa đạt tiến độ hoàn thành theo mốc thời gian ấn định là 30/4/2022.

Đối với các gói thầu số khác: Cung cấp và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy; Cung cấp và lắp đặt thiết bị điều hòa không khí; Cung cấp và lắp đặt ghế ngồi khán phòng; Cung cấp và lắp đặt hệ thống âm thanh - ánh sáng biểu diễn… cũng đã hết thời gian thi công theo hợp đồng. Nhưng thực tế tại công trường vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chậm tiến độ thi công chủ yếu là do phải chờ mặt bằng từ gói thầu số 1 để triển khai khối lượng công việc thuộc các gói thầu.

Nguyên nhân vì đâu?

Lý giải vấn đề này, đơn vị chủ đầu tư cho biết, quá trình triển khai thi công các gói thầu của dự án có phát sinh một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là gói thầu số 1. Cụ thể như hồ sơ thiết kế công trình được lập tuân thủ theo TCVN 9369: 2012: Nhà hát - Tiêu chuẩn thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành có liên quan. Dù vậy thực tế thị trường lại không đáp ứng được một số vật tư, thiết bị theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và phải nghiên cứu xử lý trong thời gian dài, có nội dung đến nay vẫn chưa đạt kết quả.

dsc_6039.jpg
Các gói thầu thuộc dự án đang thi công. Ảnh: Đ.Hòa

Quá trình thi công dự án cũng có một số biện pháp thi công đặc biệt phải tiến hành thẩm tra, thẩm định trước khi triển khai (phần ngầm, giàn không gian mái...). Hoặc như một số kết cấu phải tiến hành thử tải, kiểm định để đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng theo kiến nghị của cơ quan thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (thử tải dầm dự ứng lực, kiểm định giàn không gian mái…). Thêm nữa là, quá trình thi công có nhiều nội dung trong hồ sơ thiết kế phải thực hiện làm rõ, điều chỉnh, xử lý kỹ thuật cho phù hợp thực tế thi công và thị trường vật tư, vật liệu tại thời điểm thi công. Trong khi đơn vị tư vấn thiết kế ở xa, việc thực hiện giám sát tác giả để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh và phát hành hồ sơ có liên quan đến chủ đầu tư và các đơn vị chưa kịp thời.

Bên cạnh đó thời gian chờ nghiên cứu, xử lý kỹ thuật thiết kế hoặc điều chỉnh vật tư, vật liệu theo thị trường cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị thi công. Ngoài ra giai đoạn sau giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid - 19, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Bình Thuận nói chung và TP. Phan Thiết nói riêng còn rất phức tạp, vì vậy đơn vị thi công không thể huy động đủ số lượng công nhân theo bảng tiến độ chi tiết. Và việc gói thầu số 1 thi công chậm tiến độ đã dẫn tới các gói thầu thiết bị chưa có đủ mặt bằng để triển khai công việc theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt…

Nỗ lực hoàn thành

Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận là công trình trọng điểm của địa phương nên được kỳ vọng sớm thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Trong thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhiều lần kiểm tra thực địa công trình, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình cũng như chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nỗ lực thúc đẩy tiến độ thi công. Mặt khác còn lưu ý chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế phải tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan về xây dựng, tổ chức thi công…

Mới đây sau khi kiểm tra thực địa tại công trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu thời gian tới cần tập trung rà soát tổng thể dự án nhằm hoàn chỉnh hồ sơ, không để phát sinh thêm nữa và phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu. Về tiến độ thi công, dù không đặt mốc thời gian cụ thể nhưng sẽ quyết tâm hoàn thành công trình vào cuối năm 2022… Được biết, Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận sau khi hoàn thành cũng là công trình dự kiến phục vụ một số hoạt động quy mô của Năm Du lịch quốc gia 2023 mà địa phương đăng cai tổ chức.

Theo đơn vị chủ đầu tư, thời gian tới gói thầu số 1 tiếp tục triển khai thi công các công việc không bị vướng mắc tại công trường, với các gói thầu thiết bị thì tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để phối hợp triển khai song song ngay khi có mặt bằng từ gói thầu số 1.

Liên quan công trình này, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, sớm cho chủ trương giải quyết các nội dung vướng mắc, phát sinh, điều chỉnh quy mô để chủ đầu tư có cơ sở triển khai công việc tiếp theo. Cụ thể gồm: Bổ sung giàn thép trên trần khu vực khán đài, mái tôn lợp, cửa thép cuốn tự động DC1 ngăn cháy tại khu vực tiền đài sân khấu, thiết kế ngăn mưa tạt các khoảng hở giữa các lớp mái, khoảng hở giữa tường bao với phần đuôi mái và tại khu vực các sảnh phụ…

Đ.QUỐC

Related articles
Tánh Linh: Đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở do mưa lũ
UBND huyện Tánh Linh cho biết, những ngày qua do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở mố cầu và đê bao thoát lũ Đồng 41 thuộc địa bàn xã Măng Tố. Do đó, nhằm đảm bảo việc sản xuất, giao thông đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi, an toàn, địa phương đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư khắc phục đối với các vị trí sạt lở.

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận: Bao giờ đưa vào sử dụng?