Lo ngại Nga và phương Tây rơi vào tình huống xung đột trực tiếp vì cuộc chiến ở Ukraine

01/05/2022, 08:43

Những đe dọa và tuyên bố giữa Nga và phương Tây ngày càng trở nên cứng rắn trong tuần qua, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên.

Vòng xoáy đối đầu Nga - phương Tây ngày càng gia tăng

Mới đây, Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho hai nước châu Âu và cảnh báo phương Tây nhiều lần về nguy cơ hiện hữu của chiến tranh hạt nhân. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào vào Ukraine đều dẫn đến sự đáp trả "nhanh như chớp" từ Moscow, trong khi Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo NATO không nên thử thách lòng kiên nhẫn của nước này.

ukraine.jpg
Binh lính Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ trong cuộc tập trận ở khu vực Donetsk miền Đông nước này ngày 12/1/2022. Ảnh: AP

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga cho rằng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân "không thể bị xem nhẹ" và nhận định việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng tương tự như việc liên minh này tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga.

Về phần mình, các quan chức phương Tây đã bác bỏ những tuyên bố về chiến tranh "nguy hiểm" của Nga với việc Anh kêu gọi các đồng minh phương Tây "tăng gấp đôi" sự ủng hộ cho Ukraine.

Trong một loạt sự dịch chuyển mạnh mẽ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh NATO đã tăng cường viện trợ cho Ukraine, hòng làm suy yếu quyền lực và ảnh hưởng của Nga. Việc này khiến một số nhà quan sát lo ngại chiến tranh sẽ lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine và trở thành cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và phương Tây.

Ngày 28/4, Tổng thống Biden hối thúc Quốc hội thông qua gói ngân sách 33 tỷ USD nhằm hỗ trợ nhân đạo, quân sự và kinh tế cho Ukraine, nhiều gấp đôi gói hỗ trợ trước đó. Ngoài ra, Tổng thống Biden còn tuyên bố động thái mới này được tiến hành nhằm "trừng phạt hành vi gây hấn của Nga và làm giảm rủi ro của các cuộc chiến khác trong tương lai".

Các nước NATO, trong đó có Đức đã quyết định cung cấp các vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine. Hồi đầu tuần, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ cung cấp 50 pháo phòng không cho Ukraine.

Những diễn biến hiện nay khiến các chuyên gia Nga lo ngại rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đang vượt qua chính những "lằn ranh đỏ" mà họ cố tránh cho tới nay. Trong hầu hết thời gian trong 2 tháng xảy ra xung đột, Tổng thống Biden đã từ chối thông qua bất kỳ sự ủng hộ quân sự nào có thể bị coi là đặt Mỹ và NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, chẳng hạn như các vũ khí tấn công quy mô lớn hay thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Sự dịch chuyển của phương Tây khi tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến một số nhà quan sát cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ vượt qua biên giới nước này.

Chiến tranh sẽ kéo dài ở Ukraine

"Tình hình sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm hơn", ông Charles Kupchan - một cựu quan chức cấp cao Mỹ và hiện là học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown nhận định, đồng thời cho rằng, ngoài việc cung cấp các tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng, phương Tây cần tìm cách truyền đạt với Nga rằng những nước này sẵn sàng dừng các biện pháp trừng phạt nếu có một giải pháp quốc tế phù hợp.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy dường như khó có khả năng xảy ra bởi cả Nga và Ukraine dường như đều chuẩn bị để chiến đấu lâu dài. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thừa nhận lệnh ngừng bắn trong tương lai gần khó có thể xảy ra và rằng cuộc chiến "sẽ không kết thúc bằng những cuộc gặp".

Chỉ cách đây 1 tháng, Tổng thống Zelensky vẫn còn cân nhắc ý tưởng về một Ukraine trung lập, không gia nhập NATO và gợi ý rằng các lực lượng ở miền Đông Ukraine nên được công nhận. Tuy nhiên, hiện nay, nhà lãnh đạo Ukraine dường như sẵn sàng chiến đấu với Nga lâu dài. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN, ông Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ và nếu cần thiết sẽ chiến đấu với Nga trong 10 năm.

Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển đã thể hiện mong muốn gia nhập NATO, phá vỡ chính sách không liên minh trong một thời gian dài và có thể tạo ra một môi trường nhạy cảm mới dọc biên giới phía Bắc của Nga. Điều này được cho là sẽ gây ra phản ứng từ Nga bởi điện Kremlin thường dẫn ra sự mở rộng NATO về phía Đông như một lý do cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với Tân Hoa xã rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine là kết quả trực tiếp của việc phương Tây thúc đẩy trật tự thế giới đơn cực, trong đó liên quan đến việc NATO mở rộng về phía Đông.

Hiện hầu như có rất ít triển vọng cho thấy những căng thẳng ở Ukraine có thể sớm được giải quyết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã chủ trì cuộc họp của "Nhóm Liên lạc Ukraine" gồm 40 quốc gia để sẵn sàng trước điều mà Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho là "một cuộc xung đột kéo dài" cần "ít nhất một vài năm để giải quyết" ở Ukraine.

Sau hơn 2 tháng chiến tranh, Nga đã mở rộng sự kiểm soát lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam Ukraine, cố gắng tạo một hành lang từ Nga qua khu vực Donbass tới Crimea. Trong khi đó, phương Tây cam kết cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn cho Ukraine và dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm.

Xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây liệu có xảy ra?

Trong khi NATO tránh cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể bị hiểu như một cuộc tấn công trực tiếp vào Nga thì các nước này vẫn tiếp tục gia tăng sức ép lên Moscow. Trên thực tế, các lệnh trừng phạt Nga đã gia tăng từng ngày với ngày càng nhiều hình thức nhằm vào các công ty, ngành nghề chủ chốt cũng như các quan chức thân cận hoặc làm việc trong chính phủ Nga.

biden_2.jpg
Tổng thống Biden gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và các chỉ huy quân đội tại Nhà Trắng ngày 20/4/2022. Ảnh: Getty

Về phần mình, Nga cũng tìm cách khiến các nước châu Âu vốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí tự nhiên Nga phải hứng chịu tổn thất và thiệt hại từ chính những chính sách của mình. Việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria đã bị châu Âu cho là "tống tiền năng lượng" trong khi Moscow phản bác lại rằng, quyết định của nước này khi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp xuất phát từ "những hành động thù địch chưa từng có" của EU.

Dù vậy, giới quan sát đánh giá xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây vẫn khó xảy ra. Theo Maximilian Hess, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định: "Hiện nay, chúng ta có thể chứng kiến sự leo thang chiến tranh kinh tế xảy ra nhiều hơn bởi khó có khả năng cả hai sẽ xung đột trực tiếp với nhau do lo ngại nguy cơ chiến tranh hạt nhân".

Samuel Ramani, một nhà phân tích địa chính trị, đồng thời là học giả tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng việc xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hay Thế chiến III leo thang ngoài biên giới Ukraine "nằm ngoài khả năng hiện nay".

Liviu Horovitz - một nhà nghiên cứu chính sách hạt nhân tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức cũng nhận định, không có dấu hiệu sẽ xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây.

"Cả Mỹ và Tây Âu đều đã nhiều lần khẳng định rằng họ không muốn leo thang cuộc xung đột này ra ngoài biên giới Ukraine và tôi không nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quân đội NATO sẽ sớm triển khai ở Ukraine".

Tổng thống Biden không nói rõ liệu Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu Tổng thống Putin triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược hoặc chiến thuật. Trên thực tế, hai bên chưa thiết lập bất kỳ quy tắc rõ ràng nào trong môi trường hậu Chiến tranh Lạnh về việc triển khai vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung đã sụp đổ và các hệ thống vũ khí hạt nhân của các nước ngày càng nhanh hơn cũng như được điều khiển nhiều hơn bằng các hệ thống số tự động.

Theo chính sách của điện Kremlin, còn được gọi là "leo thang để giảm leo thang", trong những năm qua, Nga đã đưa những vũ khí hạt nhân vào tính toán về một cuộc chiến theo quy ước. Nga đã phát triển các tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân, các ngư lôi hạt nhân xuyên đại dương, các phương tiện lượn siêu thanh và nhiều vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. Dù vậy, Tổng thống Putin chưa bao giờ tiến gần đến đe dọa sẽ sử dụng chúng nhưng cũng không khẳng định rõ liệu ông có sử dụng chúng hay không. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các chiến lược gia Mỹ cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân mà thay vào đó sẽ leo thang các cuộc tấn công mạng và các vũ khí phi hạt nhân./.

VOV.VN

Related articles
Nga thay đổi chiến thuật, mặt trận phía Đông và phía Nam Ukraine “nóng rẫy”
Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng trong bối cảnh Nga đang tăng cường triển khai thêm các đơn vị chiến đấu còn lực lượng Ukraine cố gắng nắm giữ các tuyến phòng thủ.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại Nga và phương Tây rơi vào tình huống xung đột trực tiếp vì cuộc chiến ở Ukraine