Lao động là F0, F1 tăng nhanh khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng

06/03/2022, 10:40

Dịch covid 19 đang gia tăng ở nhiều địa phương, nhất là thủ đô Hà Nội khiến số người lao động mắc Covid-19 phải nghỉ việc ở nhà cách ly cũng tăng theo, không ít công ty điêu đứng vì thiếu người làm và cần giải pháp tháo gỡ.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện điều trị, cách ly do dịch Covid-19 khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Tại Thủ đô Hà Nội, theo báo cáo mới nhất, trong tổng số 18.000 người lao động ngành dệt may, có gần 5.800 lao động bị F0. Một công ty có 1.200 công nhân thì khoảng 400 người F0. Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0. Hiện đã có 36 doanh nghiệp có người mắc Covid-19 khiến các doanh nghiệp thiếu người làm trầm trọng.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, với hệ thống nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi nhà máy có số lao động mắc Covid chiếm từ 10 đến 40% tổng số lao động. Do đó, Công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất để phù hợp với từng địa phương.

“Chúng tôi có nhiều nhà máy nên cũng điều chuyển, kết hợp với thông báo với khách hàng tình hình chung như thế. Với những người chưa bị bệnh, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, động viên để họ có tinh thần cố gắng hơn bù lại một phần cho những trường hợp nghỉ. Thứ hai cũng phải tính đến phương án làm thêm giờ, phương án thứ ba là điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những đơn vị có nhiều trường hợp F0 sang những đơn vị có ít F0. Thứ tư là chúng tôi làm việc cụ thể với từng khách hàng, điều chỉnh thời gian giao hàng”, ông Long nói.

Không chỉ các công ty dệt may mà các doanh nghiệp ngành nghề khác cũng có nhiều người lao động bị F0, ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của đơn vị. Tính đến hết tuần vừa qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội có gần 1.000 người bị F0 trên tổng số hơn 16.000 công nhân, viên chức, người lao động.

Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh cho biết, mặc dù nhiều lao động phải nghỉ ở nhà điều trị Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ công việc nhưng các công ty vẫn tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, hỗ trợ về vật chất và giải quyết chế độ nghỉ ốm đau theo quy định. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, công đoàn ngành vẫn động viên người lao động, sau 7 ngày âm tính thì đi làm lại ngay để đảm bảo công việc không bị dán đoạn quá lâu.

“Để đảm bảo an sinh xã hội của thành phố như là môi trường, cấp thoát nước thì những người bị nhiễm Covid-19 thể nhẹ vẫn phải mang việc về nhà làm. Thứ hai, các tổ công nhân trực tiếp ở ngoài hiện trường, ví dụ như một tổ môi trường, có những tổ nghỉ 50% vì bị F0, bù lại những người không bị phải cố gắng tăng ca. F0 bây giờ khoảng 5 đến 7 ngày âm tính rồi, thì cũng phải đi làm nếu sức khỏe đảm bảo bởi lượng rác thải quá nhiều, một tổ 8 người mà 4 -5 người F0 thì 3 người còn lại không thể tải nổi công việc”, bà Thanh cho hay.

Để khắc phục thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp đã điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau; bố trí cho công nhân làm thêm giờ hưởng mức lương 150% - 200%. Có công ty thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để tránh cho công nhân bị lây nhiễm từ trong gia đình. Đồng thời đàm phán với khách hàng giãn ngày giao hàng bởi đây là tình trạng bất khả kháng cũng như để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Trước việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có thông báo kể từ ngày 1/3/2022 dừng hỗ trợ đoàn viên lao động ảnh hưởng vì Covid-19 khiến nhiều người lao động hết sức băn khoăn. Trao đổi về việc này, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết: Đây là quy định rồi, có thể tùy từng đơn vị áp dụng, những trường hợp F0 vẫn phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, vẫn phải nghỉ đủ 7 ngày và có test nhanh âm tính thì mới được đi làm.

"Hầu như các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghiêm theo quy định. Các chế độ chính sách tiếp theo cũng phải chờ hướng dẫn của cấp trên. Bây giờ cũng chỉ bằng cách là tuyên truyền để người lao động hiểu, tuân thủ nghiêm quy định 5K, trường hợp nghỉ do F0 thì hướng dẫn để thực hiện theo quy định, sau này được hưởng chế độ của BHXH, bây giờ các doanh nghiệp cũng rất khó khăn rồi”, ông Sơn nói.

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, có xu hướng tăng lên như: Bình Dương, Long An, Hải Phòng, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Bắc Ninh, Hà Nội… Trong khi đó, việc thiếu hụt lao động vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, ngành với nhiều cấp độ, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Việc thiếu hụt này còn có thể kéo dài, cần nhiều giải pháp trong thời gian tới…

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục chăm lo tốt cho người lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người lao động sớm trở lại doanh nghiệp, khuyến khích Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố phối hợp với nhau để tuyển dụng, điều phối lao động, qua đó góp phần ổn định đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động./.

VOV.VN

Related articles
Giá xăng dầu, thực phẩm đẩy CPI 2 tháng đầu năm tăng 1,68%
Giá xăng dầu, lương thực, dịch vụ giao thông... tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi lên.

(0) Comments
Focus
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động là F0, F1 tăng nhanh khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng