Còn bao nhiêu Dụng Quang Nho trong cộng đồng người Chăm?

04/03/2022, 07:11

Dụng Quang Nho - cái tên đang được dồn dập nhắc tới, là từ khóa được cộng đồng mạng “lùng sục” nhiều nhất trong mấy ngày qua. Đặc biệt, khi thủ lĩnh U23 quốc gia kiêu hãnh cùng đồng đội giương cao cúp vô định Đông Nam Á. Quang Nho sinh ra và lớn lên ở xã thuần Chăm Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Liệu ở đây hay rộng hơn là cộng đồng người Chăm chỉ có mỗi một Dụng Quang Nho hay còn nữa, rất nhiều Dụng Quang Nho?

0-16461226784291843659714-1646135927390-16461359286141836885856.jpg
Dụng Quang Nho (đứng thứ 2 từ trái sang) và đồng đội.

Xem các tuyển thủ trẻ Việt Nam vừa thi đấu tại giải U23 Đông Nam Á, không khó để nhận ra một Quang Nho khác biệt. Với phẩm chất kỹ thuật được tôi luyện từ nhỏ ở một lò uy tín và đình đám như Học viện Hoàng Anh – Gia Lai trên cơ sở nghệ thuật thiên bẩm cùng tố chất của người có nhãn quan “cầm trịch”, Dụng Quang Nho điều phối trận đấu không chỉ xứng với chiếc băng đội trưởng trên tay mà còn cho thấy ở anh, ẩn hiện hình ảnh như một “vũ công samba”.

Dẫu sao, đó mới chỉ là những bước nhảy khởi đầu và tất cả vẫn còn đang ở phía trước. Giá trị của anh tiếp tới sẽ như thế nào hãy để chính anh thể hiện trên sân và các chuyên gia nhiều uy tín thẩm định, phạm vi bài viết này như đã đề cập ở trên, chỉ mạn phép trả lời cho câu hỏi: Cộng đồng người Chăm có nhiều Quang Nho như vậy không?

Một trăm mấy chục năm trước, khi người Pháp mang bóng đá đến phổ biến cho người dân Bình Thuận, người Kinh hồ hởi đón nhận thế nào thì người Chăm cũng không khác mấy. Ngót nghét thế kỷ rưỡi trôi qua, bao “vật đổi sao dời” nhưng có một thứ dường như bất biến, đó là vùng đồng bào Chăm nào, thời kỳ nào cũng có sân bóng đá. Không yêu, không mê bóng đá thì làm gì có sân? Từ Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa (Bắc Bình) đến Phú Lạc (Tuy Phong), nơi nào cũng có. Thậm chí, mỗi thôn một sân bóng đàng hoàng như xã Phan Hòa. Và thế hệ nào, từ 3X, 4X cho đến hiện giờ, các xã luôn có những đội bóng và trong tập thể đó luôn xuất hiện những cá nhân xuất sắc buộc cộng đồng bóng đá ở địa phương và thậm chí là tầm quốc gia phải thừa nhận, ngưỡng mộ. “Lúc ngoại còn xỏ giày, Phan Hòa luôn là đội bóng mạnh. Họ có sức khỏe tốt và kỹ thuật lắt léo nên khi đá khó thắng họ lắm”. Đây là lời ông của người viết bài này kể chuyện đá bóng thời trai trẻ mỗi khi có dịp. Ông từng là hậu vệ của đội bóng quận Hòa Đa (cũ) những năm 30, thế kỷ trước.

Những năm 70, 80 trên sân cỏ các huyện Bắc Bình, Tuy Phong không ai không biết thủ môn Đặng Phụng. Ông Phụng cao trên 1,8m có nước da nâu bóng, đôi mắt sâu, mái tóc xoăn bồng bềnh và bộ râu quai nón như người Nam Mỹ. Nhưng ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả hơn là khả năng làm chủ khung gỗ. Sau, ông chuyển sang chơi vị trí trung vệ. Quãng thời gian này, ông tiếp tục tỏa sáng và được người xem yêu mến lấy tên một danh thủ của Brazil được mệnh danh là “nhà hiền triết sân cỏ” những năm 80 là Socrates đặt cho.

bong-da-cham.jpg
Những trận cầu nhí người Chăm dù giày không đủ để mang nhưng luôn lôi cuốn người xem.

Kế ông Phụng “Socrates” là Văn Lương Bích. Ông Bích là con trai sư cả Văn Lương Độ. Một trí thức trong lĩnh vực tự nhiên của cộng đồng Chăm. Các giải bóng đá phong trào phía bắc Bình Thuận thời kỳ đó, tiền đạo Lương Bích nổi bật với đôi chân lắt léo trời phú và cái đầu thông minh cùng lối tư duy của người có kiến thức khi xử lý tình huống trong những khoảng không gian hẹp trước cầu môn đối phương…

Ở Phan Hòa hay những cộng đồng người Chăm khác ở Bình Thuận thời nào cũng xuất hiện những cá nhân chơi bóng vượt trội để lại nhiều dấu ấn như ông Phụng, ông Bích.

Hình ảnh những đứa trẻ Chăm chân trần vô tư, trong trẻo vui đùa, ngẫu hứng đầy nghệ thuật với trái bóng bất chấp nắng mưa, bất chấp giờ giấc qua bao năm, không phai mờ trong tâm trí bao người. Khi chứng kiến những hình ảnh đó, không thể không liên tưởng đến đám trẻ con nhảy múa với bóng tròn ở quê hương của N.Kanu (Nigeria), A. Pele (Ghana), G. Weah (Liberia) – Những “quả bóng vàng” danh giá ở châu Phi và đặc biệt là những đứa trẻ - vũ công của xứ sở samba.

Lý giải một phần cho sự dẻo dai và kỹ thuật uyển chuyển rất khác biệt của các cầu thủ Chăm là hãy liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ - các bà, các mẹ của họ đội nước trước kia và sau này là đội lễ vật đến chùa, đội sản vật ra chợ một quãng đường khá dài. Để giữ được thăng bằng cho vật trên đầu, từng bộ phận trên cơ thể phải thật nhịp nhàng, đặc biệt là những nhịp lắc hông luôn nhuần nhuyễn và mềm mại. Nếu cầu thủ Brazil có được vũ điệu sân cỏ của họ từ âm nhạc và lễ hội thì “vũ điệu bóng đá” người Chăm ít nhiều đến từ âm hưởng của giai điệu trống ghi năng và kèn saranai trong từng nhịp thở lao động sản xuất hàng ngày.

Ông Nguyễn Minh Chiến, cựu tuyển thủ Thuận Hải (cũ), nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bắc Bình cho hay, hiện ở xã Phan Hòa, các cháu độ tuổi 10 – 12 có tố chất như Dụng Quang Nho, thậm chí hơn là không hiếm. Các cháu được phụ huynh quan tâm cho tham gia học và tập luyện bóng đá nhiều hơn trước. Các nhà tuyển trạch của các học viện cũng chú ý đến vùng này hơn. “Bây giờ và trước đây nhiều năm, các giải bóng đá từ thanh niên đến thiếu niên, đội bóng xã Phan Hòa hay đội bóng của các xã thuần đồng bào Chăm thường mạnh và luôn đoạt giải cao”, ông Nguyễn Minh Chiến - bác ruột của cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Minh Chuyên và cựu tuyển thủ U19 quốc gia Nguyễn Minh Tuyên nhìn nhận.

Đầu những năm 90, cộng đồng người Chăm Bình Thuận, Ninh Thuận rất tự hào khi huyện Ninh Phước có một tiền đạo Báu Thanh Tâm chói sáng sân cỏ khu vực nam Trung bộ thì nay, họ càng tự hào hơn khi Dụng Quang Nho, thủ lĩnh U23 quốc gia mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Vẫn là câu hỏi: Chỉ một Dụng Quang Nho thôi sao? Câu trả lời chắc chắn là không. Cơ sở ư? Có ngay! Dụng Quang Vinh, em trai Dụng Quang Nho đang là thành viên đội U15 của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Những nhân tố mới có tính “kế thừa” là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ cho những cộng đồng Chăm vốn có truyền thống và hơn hết là tình yêu bóng đá nghệ thuật một cách thuần khiết để viết tiếp câu chuyện về “những vũ công Champa” trên sân cỏ.  

ĐIỀN VINH

Related articles
Tự hào áo dài Việt Nam
“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu Pa-ris, Luân Đôn hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…!”.

(0) Comments
Focus
Làm tốt chính sách hậu phương quân đội để công dân an tâm lên đường nhập ngũ
BTO - Ngày 31/12/2024, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (HĐNVQS) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá kết quả công tác tuyển chọn và chuẩn bị gọi công dân nhập ngũ năm 2025, triển khai giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển quân năm 2025. Đại tá Nguyễn Anh Nghĩa – Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐNVQS tỉnh chủ trì hội nghị.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn bao nhiêu Dụng Quang Nho trong cộng đồng người Chăm?