Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Bình Thuận

15/02/2022, 14:22

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Bình Thuận năm 2022 với nhiều nội dung được tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh phát triển thương mại điện tử. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nhận thức về thương mại điện tử, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khuyến khích ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của cơ quản quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại điện tử…

Theo đó sắp tới đây, địa phương sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực thương mại điện tử để hỗ trợ ứng dụng hiệu quả khi tham gia kinh doanh trên môi trường mạng và tuân thủ chấp hành các quy định pháp luật trong thương mại điện tử. Xúc tiến đào tạo đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử của tỉnh nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.

Kế hoạch này cũng hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử ngành Công Thương hoặc trên một số sàn thương mại điện tử uy tín trong nước lẫn thế giới do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức triển khai. Ngoài ra còn triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh mua bán, dịch vụ gắn với tăng cường công tác quản lý thuế trong thương mại điện tử. Mặc khác sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để cải tiến mô hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Năm nay, Bình Thuận cũng đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh...

Cùng với đó sẽ đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng kinh doanh tiện lợi, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến ở địa phương. Đồng thời triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử…

Đ.QUỐC

Related articles
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử
BT- Như xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 càng được dịp “lên ngôi”. Nhưng bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động thương mại điện tử lại là thách thức không nhỏ đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Bình Thuận