Thủ tướng chủ trì hội nghị tổng kết 20 năm phát triển kinh tế tập thể

15/02/2022, 10:21

Hội nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012.

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội; các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dự tại điểm cầu các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012 là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp có hiệu quả của các thành viên Ban chỉ đạo; sự cố gắng, tích cực của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã cùng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Thủ tướng chỉ rõ, hội nghị sẽ tập trung vào 2 nội dung: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ-TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã. Để đánh giá một cách toàn diện, Thủ tướng đề nghị toàn thể đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung trọng tâm gồm 4 vấn đề chính:

Đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm.

Đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; từ đó phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

Xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực KTTT, HTX trong thời gian tới.

Đề xuất những định hướng chiến lược phát triển KTTT, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của KTTT, HTX và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nội dung khó và liên quan đến nhận thức, cách làm, nguồn lực, tác động đến nhiều đối tượng, nhất là công tác quản lý và quyền, lợi ích trực tiếp của người dân. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nhất là thực tiễn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị thảo luận kỹ, góp ý đi thẳng vào các vấn đề chính.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định.

Hội nghị khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số kết quả như: việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, hợp tác xã (HTX) phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT.

Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra; công tác nghiên cứu lý luận về HTX chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về HTX; chưa đưa nội dung phát triển KTTT vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như yêu cầu của Nghị quyết; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT vẫn chưa đạt yêu cầu; khung khổ pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với HTX, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta...

Cùng với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20/11/2012, Quốc hội thông qua Luật HTX, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX

Trong đó, công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương. Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về KTTT, HTX được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước riêng cho khu vực KTTT, HTX đã bước đầu được triển khai thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, các Đề án xây dựng các mô hình thí điểm HTX kiểu mới. công tác hợp tác quốc tế được thúc đẩy

Đặc biệt, khu vực KTTT, HTX đã có chuyển biến tích cực. Năm 2021 cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, thực hiện Luật HTX gần 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật, cũng như từ quá trình tổ chức triển khai thi hành luật. Trong đó, nhiều quy định đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển của HTX. Hiệu quả của Luật HTX chưa cao nên đóng góp vào GDP của nền kinh tế còn thấp. Số lượng thành viên HTX bị sụt giảm đáng kể. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp. Khả năng huy động vốn của HTX rất hạn chế...

Tại Hội nghị đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, phân tích, đánh giá toàn diện những kết quả nổi bật sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012. Trong đó nêu những bài học kinh nghiệm, giới thiệu nhiều mô hình tiêu biểu cần nhân rộng... Đặc biệt, đề xuất những nhiệm, định hướng, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới./.

VOV.VN

Related articles
Hàm Thuận Nam: Công bố các quyết định về công tác cán bộ
Sáng 10/2, tại UBND xã Hàm Cường, Huyện ủy Hàm Thuận Nam tổ chức hội nghị công bố và trao Quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác cán bộ.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng chủ trì hội nghị tổng kết 20 năm phát triển kinh tế tập thể