Người ăn xin giảm, bán hàng rong tăng trong dịp tết

14/02/2022, 06:25

Đi bất cứ đình, chùa, ngã tư, chợ, khu du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết nói riêng và các nơi trong tỉnh nói chung vào những ngày tết gần như đều bắt gặp tình trạng người ăn xin và lực lượng người bán hàng rong.

ban-hang.jpg
Bán hàng rong ở cuối đường xuống bãi biển Khu du lịch Hàm Tiến.

Dịp lễ, tết đối tượng lang thang, ăn xin thường tập trung ở các cổng chùa, chợ, ngã tư đèn xanh – đỏ, nơi có nhiều người qua lại, nhưng Tết Nhâm Dần 2022 có phần giảm hơn. Bởi lẽ, các xã, phường quản lý chặt chẽ các đối tượng này để bộ mặt điểm đến văn minh tạo môi trường thuận lợi thu hút du khách. “UBND phường xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong dịp tết, nên cứ vào giáp tết, địa phương tiến hành ra quân xử lý thu gom đối tượng lang thang cơ nhỡ, ăn xin. Sau khi phát hiện sẽ tập trung các đối tượng, phân loại xử lý theo quy định”, ông Đỗ Quốc Bảo - Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa cho biết.

Hơn nữa, tình trạng người ăn xin giảm cũng một phần do dịch Covid-19 nguy hiểm nên các đối tượng không tập trung về các đô thị. Chẳng hạn ở TP.Phan Thiết, những tết năm trước, tại cổng chùa Ông thuộc phường Đức Nghĩa có cả người ăn xin ở các huyện đến. Tuy nhiên năm nay, phần lớn là người dân địa phương đi ăn xin hoặc ăn xin giả danh bán vé số. Bên cạnh đó nổi rõ nhất, nạn bán hàng rong tự phát, hoạt động khá phổ biến không chỉ các khu vực quanh chợ, đường phố mà còn ở cả khu du lịch. Với những hàng tươi sống như rau, củ, quả còn có chất lượng, nhưng với hàng chế biến sẵn hoặc tại chỗ vừa dở và đắt đỏ, nhất là hàng hải sản. TP.Phan Thiết có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện công tác xử lý người lang thang, ăn xin và các tệ nạn khác trước – trong và sau dịp lễ, tết. Khi phát hiện tập trung đối tượng xử lý theo quy trình, không để làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương… Theo đó, UBND xã, phường nào để xảy ra tình trạng người lang thang, ăn xin bao gồm bán hàng rong ở khu du lịch phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

UBND các phường, xã đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế xảy ra vấn nạn trên ngay từ trước tết. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động xấu cuộc sống người dân nên việc quản lý hoặc đẩy đuổi có phần gặp khó khăn, nhất là hàng rong. “Với đối tượng lang thang, ăn xin có thể xử lý bằng cách đưa đến trung tâm bảo trợ xã hội; giao cho gia đình giáo dục răn đe và cam kết không tái diễn, còn bán hàng rong cứ đẩy đuổi rồi đâu lại vào đó. Năm nay nạn hàng rong có dấu hiệu tăng”, ông Bảo chia sẻ.

Dù vậy, xác định đây là vấn nạn làm cho văn minh đô thị kém phát triển nên UBND các xã, phường đang nỗ lực xử lý để lập lại mỹ quan đô thị. Ban Quản lý các khu du lịch, chợ, cảng cá, bến xe thường xuyên kiểm tra và khi phát hiện xử lý ngay để góp phần đảm bảo an toàn xã hội, mỹ quan đô thị, tạo môi trường xanh sạch – văn minh hấp dẫn du khách.

UBND TP. Phan Thiết yêu cầu các xã, phường lưu ý những điểm nóng xảy ra vấn nạn như: quanh khu vực chợ Phan Thiết, trước cổng chùa Ông, chùa Phật Học... Bên cạnh đó, những địa điểm khách đến tham quan du lịch thuộc phường Hàm Tiến, Mũi Né…

NINH CHINH

Related articles
Bổ sung hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19
BTO- Ngày 9/2, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12, mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người ăn xin giảm, bán hàng rong tăng trong dịp tết