Đảo chính tại Burkina Faso: Phản ứng trong nước và quốc tế

25/01/2022, 14:40

Quân đội Burkina Faso hôm qua (24/1) đã phế truất Tổng thống Roch Mac Kabore, đình chỉ Hiến pháp, giải tán chính phủ và Quốc hội, đồng thời đóng cửa biên giới.

Thế giới đã có phản ứng tức thì trước cuộc đảo chính mới nhất tại khu vực Tây Phi, kêu gọi trả tự do cho tổng thống và các quan chức chính phủ.

Khu vực Tây Phi vừa có thêm một cuộc đảo chính quân sự mới sau Mali và Guinea trong vòng 18 tháng. Tuyên bố phế truất Tổng thống Burkina Faso do Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba ký và được một sĩ quan khác đọc trên kênh truyền hình quốc gia vào tối qua (theo giờ địa phương).

 “Trong bối cảnh tình hình an ninh tiếp tục xấu đi, đe dọa nền tảng của quốc gia chúng ta, sự bất lực rõ ràng của chính phủ của Tổng thống Kabore trong việc đoàn kết, thống nhất đất nước, để giải quyết tình hình một cách hiệu quả. Trước sự phẫn nộ của nhiều bộ phận tầng lớp quốc gia, Phong trào Yêu nước vì Bảo vệ và Khôi phục (MPSR) đã được ra quyết định lịch sử và xin chịu mọi trách nhiệm với quốc gia và quốc tế. Phong trào gồm tất cả các bộ phận của quân đội và lực lượng an ninh quyết định kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Kabore vào ngày 24/1/2022”.

Cũng trong tuyên bố, phía quân đội Burkina Faso cho biết, việc tiếp quản chính quyền đã được thực hiện mà không có bạo lực và những người bị bắt giữ đang ở một nơi an toàn, không được nêu rõ.

Tuy nhiên, Đảng Phong trào nhân dân tiến bộ cầm quyền tại Burkina Faso cho biết, đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự bằng vũ lực. Tổng thống đã may mắn thoát được một vụ ám sát. Trên thực tế, nhiều tiếng súng đã vang lên tại nhiều doanh trại quân đội và gần Phủ Tổng thống trong ngày 23/1. Xe bọc thép thuộc đội xe Tổng thống xuất hiện nhiều vết đạn.

Nhiều nguồn tin địa phương cho biết, trước khi tiến hành đảo chính, quân đội và lực lượng an ninh đã yêu cầu sự hỗ trợ lớn hơn từ chính phủ cho cuộc chiến chống lại các lực lượng khủng bố, cực đoan có chiều hướng gia tăng tại quốc gia này.

Hiện tình hình tại Burkina Faso được đánh giá là bất ổn và đáng quan ngại. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, đang theo sát mọi diễn biến, đặc biệt là sự an toàn của Tổng thống Kabore và tình hình an ninh của đất nước.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Stephane Dujarric nói: “Tổng thư ký lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực tiếp quản chính phủ bằng vũ lực. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính hạ vũ khí và đảm bảo bảo vệ sự toàn vẹn về thể chất của tổng thống và thể chế của Burkina Faso. Tổng thư ký kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và lựa chọn đối thoại".

Đây cũng là lời kêu gọi của Đại diện Cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Josep Borrell:“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ở Burkina Faso. Những tin tức mới nhất như báo cáo về việc quân đội Burkina Faso bắt giam Tổng thống Kabore và chiếm đóng đài phát thanh - truyền hình quốc gia là rất đáng quan ngại. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng trật tự hiến pháp và trả tự do cho Tổng thống Kabore”.

Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi (AU) cũng đã lên tiếng về tình hình bất ổn tại Burkina Faso. Liên minh châu Phi lên án điều mà tổ chức này gọi là “ý đồ đảo chính” của các binh sĩ nổi loạn đối với nhà lãnh đạo dân cử của Burkina Faso Kabore. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat kêu gọi các lực lượng an ninh và quân đội Burkina Faso tuân thủ nhiệm vụ hợp pháp được giao là bảo vệ đất nước, cũng như bảo đảm an toàn cho Tổng thống Kabore và các thành viên trong chính phủ của ông.

Mỹ cũng đã yêu cầu “trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Kabore và các quan chức chính phủ khác”, đồng thời kêu gọi phe đảo chính “tôn trọng Hiến pháp và ban lãnh đạo dân sự” của đất nước.

Diễn biến chính trị tại Burkina Faso diễn ra trong bối cảnh các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang mở rộng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của đất nước và buộc cư dân ở một số khu vực tuân theo phiên bản luật Hồi giáo hà khắc của họ. Cuộc đấu tranh của quân đội trước lực lượng này đã làm tiêu hao nguồn tài nguyên quốc gia khan hiếm. Tổng thống Kabore đã phải đối mặt với làn sóng phản đối trong những tháng gần đây khi mà một bộ phận dân chúng thất vọng về các vụ sát hại dân thường và binh lính của các tay súng Hồi giáo - một số người trong số họ có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al Qaeda./.

VOV.VN

Related articles
Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh của Thái Lan
Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành của Thái Lan và đến cuối tháng 1/2022, hầu hết mọi ca mới mắc Covid-19 ở Thái Lan đều do biến chủng này gây ra.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo chính tại Burkina Faso: Phản ứng trong nước và quốc tế