Xu hướng du lịch mới: Tận dụng lợi thế để hút khách

12/01/2022, 08:40

BT- Qua 2 năm gánh chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid - 19, các chỉ số tăng trưởng chủ yếu của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên trong giai đoạn bình thường mới, ngành “công nghiệp không khói” của địa phương cũng cho thấy những lợi thế trước xu hướng du lịch, để từ đó tận dụng thu hút khách du lịch…

img_3155.jpg
Du lịch Bình Thuận có nhiều lợi thế để hút khách trong giai đoạn bình thường mới. (Ảnh minh họa)

Xu hướng du lịch có gì mới?

“Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” là chủ đề hội thảo chuyên đề về du lịch do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức vào cuối năm qua. Hội thảo này được trực tuyến đến điểm cầu 19 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch (trong đó có Bình Thuận) với mục tiêu tạo diễn đàn để cùng trao đổi, thảo luận về định hướng chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Tham luận của các chuyên gia cũng đề cập đến xu hướng du lịch mới do tác động gián tiếp từ dịch Covid - 19, kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Đó là “chứng nhận, hộ chiếu vắc xin” nhằm hỗ trợ và phát triển khai thông luồng khách du lịch quốc tế trước tác động của đại dịch. Đây không những là chìa khóa để mở cửa ngành “công nghiệp không khói” trong nước mà còn tạo điều kiện cho khách quốc tế đi lại thuận lợi hơn…Tiếp nữa là “du lịch không chạm” - xu hướng này vừa giúp hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người với vật dụng, vừa tăng trải nghiệm của du lịch thông qua thiết bị công nghệ.

Cũng do ảnh hưởng dịch Covid - 19, xu hướng “du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng” dự báo sẽ có nhu cầu ngày càng tăng cao và phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Bên cạnh đó còn hình thành xu hướng “du lịch nội địa, du lịch gần nhà và ngắn ngày” có thể kéo du khách trở lại với du lịch nội địa, thúc đẩy nhu cầu hoạt động ngoài trời, gần gũi thiên nhiên, làng quê…Gắn với chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thì “du lịch thể thao” cũng là xu hướng tiếp tục phát triển, bởi không hạn chế nhiều về yếu tố văn hóa, trình độ, giới tính mà hướng đến mọi đối tượng có nhu cầu giải trí. Còn lại là “du lịch MICE” - loại hình du lịch có lợi thế vì kết hợp được du lịch, nghỉ ngơi thư giãn và làm việc (hội nghị, hội thảo, tổng kết hoặc sự kiện kinh doanh…).

728b6f2eacc966973fd8.jpg

Nắm thời cơ, tận dụng lợi thế

Cùng với việc triển khai giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19, từ giữa tháng 11/2021 du lịch Việt Nam thực hiện thí điểm đón khách quốc tế theo các chuyến bay thuê chuyến (charter) đến một số địa phương đáp ứng yêu cầu. Riêng với Bình Thuận, sau thời gian đón khách du lịch nội địa thì hiện đang xây dựng phương án thí điểm, tiến tới báo cáo cơ quan thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào danh sách các địa phương được đón khách du lịch quốc tế.

Thời gian qua, Bình Thuận rất nỗ lực đẩy nhanh độ phủ vắc xin trong cộng đồng lẫn lao động làm việc trong ngành, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn trong mắt du khách. Thời điểm hiện tại, vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ vẫn còn nguyên sức hút bởi nắm giữ thế mạnh nghỉ dưỡng và thể thao giải trí trên biển, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né… Bước vào giai đoạn bình thường mới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết này hướng đến đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo định hướng, tới đây địa phương sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Đồng thời xúc tiến xây dựng hình thành hệ sinh thái du lịch Bình Thuận hướng tới tiêu chí “An toàn - thân thiện - chất lượng”, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030. Cùng với đó tập trung kêu gọi đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino, điều trị chăm sóc và phục hồi sức khỏe...  

Với điều kiện thuận lợi, Bình Thuận còn tính đến đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao trên biển, nhất là xây dựng và phát triển Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam nằm trong hệ thống giải đấu hàng năm của Hiệp hội Lướt ván buồm thế giới PWA. Ngoài ra cũng khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE, hình thành các tour khám phá đồi cát ven biển, hồ, thác nước như Bàu Trắng (Bắc Bình), Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), Thác Bà (Tánh Linh), đảo Phú Quý hoặc tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng… Tới đây các sở ngành, địa phương liên quan tiếp tục khảo sát, đánh giá lại tiềm năng du lịch gắn trách nhiệm với hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái rừng, hồ, thác, vườn trái cây.

Nắm bắt xu hướng, tận dụng lợi thế du lịch và được hạ tầng giao thông đối ngoại tiếp sức, du lịch Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10 - 12%. Không những vậy còn hướng đến xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào những năm tiếp theo…

Thời gian tới, Bình Thuận cũng quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành thông qua hoàn thiện hệ thống dữ liệu số hóa về khu - điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, quản lý du khách… kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về du lịch và hệ thống thông tin quản lý thông báo lưu trú. Tập trung chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đặt phòng, thanh toán…và khuyến khích doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác cũng như kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

QUỐC TÍN

Related articles
Cần có những quyết sách hỗ trợ phát triển ngành du lịch
Chiều nay 4/1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ góp ý vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xu hướng du lịch mới: Tận dụng lợi thế để hút khách