Ưu tiên đầu tư lưới điện để trả 100% công suất trạm thanh long

02/01/2022, 06:13

BTO- Những năm gần đây, diện tích trồng thanh long trong toàn tỉnh tăng quá nhanh. Số diện tích chong đèn thanh long sử dụng điện hiện hữu đạt 32.670 ha, vượt rất xa diện tích thanh long theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 28.000 ha và đến năm 2025 là 30.000 ha. Từ đó, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ngành điện đã đầu tư kinh phí rất lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ.

dsc02982.jpg
Cải tạo lưới điện tại Hàm Thuận Bắc.

Để từng bước đáp ứng nhu cầu điện chong đèn thanh long, từ năm 2015 Công ty Điện lực Bình Thuận đã xây dựng đề án đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng cung cấp điện cho phụ tải thanh long theo quy hoạch đến năm 2020 (28.000 ha) và được Tổng Công ty Điện lực miền Nam phê duyệt với tổng nhu cầu vốn 2.759 tỷ đồng đầu tư cho cả 3 cấp điện áp 220kV, 110kV, 22kV. Kể từ năm 2016 đến nay, ngành điện đã triển khai đầu tư rất nhiều dự án lưới điện với tổng giá trị đầu tư 3 cấp điện áp là 1.830 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến đầu năm 2019, ngành điện đã trả về cấp điện 100% công suất các trạm thanh long hiện hữu cho 4 xã có diện tích thanh long khá lớn tại huyện Hàm Thuận Nam, đó là Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý, Hàm Minh.

Đối với khu vực huyện Hàm Thuận Bắc, từ năm 2016 đến năm 2020 ngành điện đã bố trí 123,8 tỷ đồng để đầu tư lưới điện và năm 2021, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các phần lưới 22kV với quy mô 78,4km đường dây 22kV, tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Sau khi, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đưa vào vận hành TBA 110kV Hàm Thuận Bắc 2x63MVA (tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng), sẽ trả về cấp điện 100% công suất các trạm thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, tiến độ các dự án lưới điện đang triển khai phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết các vướng mắc mặt bằng thi công. Do vậy, rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm sớm đưa các dự án vào vận hành. Đối với các khu vực còn lại, ngành điện cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn thực hiện, nhằm trả về cấp điện 100% công suất các trạm thanh long. Song, nhu cầu vốn còn khá lớn khoảng 929 tỷ đồng, trong khi hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam đang tập trung bố trí vốn triển khai các dự án lưới điện 220kV, 110kV để giải phóng công suất cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời, nhằm đảm bảo đủ nguồn điện đáp ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một áp lực rất lớn cho hệ thống nguồn và lưới điện hiện hữu, cũng như kế hoạch đầu tư lưới điện theo đề án và cả đáp ứng điện cho phần diện tích thanh long vượt quy hoạch. Trong năm 2022, ngành điện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại và các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương hoặc vốn ứng để ưu tiên đầu tư lưới điện nhằm trả về 100% công suất trạm chong đèn thanh long, đảm bảo nhu cầu điện sản xuất của nhân dân trong toàn tỉnh.

LÊ THANH

Related articles
Đảm bảo vận hành an toàn mạng lưới điện trong dịch Covid - 19
BTO- Ngay sau khi tỉnh Bình Thuận xuất hiện ca bệnh mắc covid-19 trong cộng đồng ngày 24/6, Truyền tải điện Bình Thuận đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch đến các Phòng, Đội và Trạm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên đầu tư lưới điện để trả 100% công suất trạm thanh long