Chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

21/12/2021, 07:05

BT- Chính phủ đã xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Mục tiêu được nêu rõ trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam có kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số ở mỗi ngành tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng tối thiểu mỗi năm 7%; thuộc nhóm top 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin…Trong xu hướng ấy, Bình Thuận đang xúc tiến chuyển đổi số theo đà phát triển của đất nước. Mặc dù xuất phát điểm về lĩnh vực này đang ở mức trung bình thấp, nhưng phải tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phát triển các lĩnh vực có lợi thế của địa phương, đưa kinh tế tỉnh nhà đi lên.

Ứng dụng đồng bộ cộng nghệ thông tin trong sản xuất tại NMNĐ Vĩnh Tân 4.

Góp ý dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Thiết cho rằng: “Hạ tầng số ở tỉnh ta đang ở mức trung bình thấp, hiện xếp thứ 37 về chuyển đổi số trong cả nước; thực trạng một số huyện, xã máy móc phục vụ, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng tiến độ công việc. Do đó trong dự thảo nghị quyết chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng năm 2030 nêu rõ cần có sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị về lĩnh vực này mới thúc đẩy phát triển được”. Ông Hải cũng nêu kiến nghị tỉnh sớm hoàn thiện phần mềm kết nối thông tin phục vụ công tác của “bộ phận 1 cửa” từ xã đến huyện, tỉnh, phục vụ người dân tốt hơn, chống tiêu cực làm hồ sơ đất đai tại bộ phận này. Cũng như cấp huyện đầu tư phần mềm kết nối đường truyền phục vụ các hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện, xã; hay kết nối với điểm cầu trung ương.

Cùng đó, ông Phạm Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy La Gi cho biết: “Chuyển đổi số cần được ứng dụng rộng rãi vào đời sống, phục vụ nhân dân, như Dự án Tổng thể về đo đạc tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý đất đai toàn tỉnh do Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện gần 10 năm nay cần tập trung hoàn thiện, sớm đưa phần mềm này ứng dụng rộng rãi ở các địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin các ban ngành, cấp xã, doanh nghiệp”…

Trong khuôn khổ liên quan này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương, sở ngành để Tỉnh ủy hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về chuyển đổi số. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuẩn bị ban hành nghị quyết về chuyển đổi số là điều rất cần thiết để nắm bắt kịp thời chỉ đạo của Trung ương, xu thế phát triển. Dự thảo nghị quyết chỉnh sửa phải phù hợp tình hình thực tế của địa phương; hoàn thiện hơn nội dung xây dựng đô thị thông minh, lấy thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi làm mô hình thí điểm. Chẳng hạn như huy động doanh nghiệp viễn thông đầu tư vài điểm truy cập internet miễn phí một số nơi công cộng ở nội thành Phan Thiết, khu du lịch quốc gia Mũi Né vừa phục vụ người dân, du khách, vừa quảng bá thương hiệu doanh nghiệp… Đối với các mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu phải bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Riêng chỉ tiêu xếp hạng chuyển đổi số, phải đặt thứ hạng cụ thể, để tỉnh quyết tâm có mặt trong danh sách 20 hoặc 30 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về chuyển đổi số những năm tới, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là xu thế, yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, từng ngành, cơ quan, đơn vị, toàn xã hội. Quá trình chuyển đổi số của tỉnh phải toàn diện, đồng bộ với sự chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ các công việc cần ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của tỉnh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, giữ vững quốc phòng - an ninh; phát huy, tranh thủ tối đa các nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực thông qua các nền tảng số, ứng dụng chuyển đổi số; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết đưa vào cuộc sống, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi tư duy, hành động, nói đi đôi với làm. Từ đó tạo ra sự lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp để tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh nhà.

Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội