Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”

29/10/2021, 08:36

Bài 2: Vì thực tế đã lên tiếng

BT- Thực tế, tổng diện tích đất sản xuất của 5 huyện, thị này gần 200.000 ha nhưng đến năm 2020, chỉ có 20.000 ha chủ động nước tưới, tức chỉ chiếm khoảng 10% diện tích.

Tranh cãi quanh Luật Quy hoạch

Ai nắm diễn biến sự việc của 2 dự án trên đều muốn biết vì sao sau 16 năm mọi chuyện có vẻ đang quay về lúc ban đầu? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, dù thủy điện La Ngâu là dự án nhỏ nhưng lại có mặt trong quy hoạch điện lực cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong khi hồ La Ngà 3 là dự án lớn, không chỉ có hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa về xã hội, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hiện nay thì chỉ nằm trong quy hoạch cấp vùng (Đông Nam bộ) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Đó là vấn đề chủ đầu tư dự án thủy điện La Ngâu nêu trong các báo cáo gửi về tỉnh vào năm 2019, thời điểm giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời công ty nêu hướng xử trí trùng lắp quy hoạch căn cứ vào khoản 3, Điều 6 Luật Quy hoạch quy định: “Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1352/2019, ngay khi dự án thủy điện La Ngâu được chấp thuận chủ trương lập thủ tục đầu tư xây dựng dự án vào năm 2005, ở khâu lập, thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương và sở, ngành ở tỉnh thì có nhiều ý kiến không đồng ý. Vì vậy, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7019/2008 đề nghị chủ đầu tư cần làm việc với Bộ Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan liên quan để lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản về vấn đề trùng lặp quy hoạch. Tiếp đó, Văn bản số 1001/2009 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc thẩm định lại dự án Nhà máy thủy điện La Ngâu, vì chưa được Bộ Nông nghiệp & PTNT chấp thuận. Tại tỉnh, Văn bản số 663/2007 của Sở Công nghiệp Bình Thuận về kết quả thẩm định Thiết kế cơ sở dự án thủy điện La Ngâu, là không phù hợp với quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực La Ngà… Đó là những lý do khiến UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện La Ngâu phải ký cam kết sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình La Ngà 3 được đầu tư xây dựng tại Công văn số 85/2007, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2008.

 

Hồ Sông Móng vào mùa khô hạn. Ảnh: N.Lân

Do vậy, chuyện căn cứ vào Điều 6, Luật Quy hoạch của Công ty cổ phần Thủy điện La Ngâu lại càng chưa đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Vì tại Điều 58, Luật Quy hoạch quy định thời gian có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Thành ra, việc vận dụng Luật Quy hoạch để điều chỉnh đối với Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà năm 2006 và quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng năm 2018 là chưa có cơ sở.  

Bức xúc phát triển 

Cuộc giằng co của 2 dự án kéo dài 16 năm qua, mất mát thấy rõ nhất thể hiện qua sự phát triển của vùng không thể bứt phá, dù những kế hoạch hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở 5 huyện, thị phía nam đã sẵn sàng, chỉ chờ nước. Hiện các cụm công nghiệp ở Đông Hà - Đức Linh đã xuất hiện, thu hút các tập đoàn đầu tư lớn trên thế giới với mối quan tâm có nguồn nước ổn định không. Các KCN Tân Đức, Sơn Mỹ I, II ở Hàm Tân đang khởi động ở các bước khác nhau trong sự chờ đợi đến lúc có nước. Rồi dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi với kế hoạch xây dựng vùng đô thị sầm uất quanh các KCN Sơn Mỹ sẽ hoạt động như thế nào khi không có nước…

Đó là lý do tất cả các cấp lãnh đạo Trung ương khi về Bình Thuận đều đồng ý phải xây dựng hồ La Ngà 3 càng sớm càng tốt, không chỉ vì sự xuất hiện bứt phá của công nghiệp ở vùng khó mà còn vì muốn ổn định đời sống người dân ở vùng hạn bao đời nay. Ngoại trừ Đức Linh, Tánh Linh nằm ven sông La Ngà có mùa mưa dài nhưng cũng đối diện với lũ lụt bất ngờ, hạn hán bất chợt, vì nơi đây chỉ có đập dâng Tà Pao, không có hồ chứa và nguồn nước phụ thuộc vào thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Còn lại, từ Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi đều có thể xem là vùng khô hạn, khi hồ Sông Dinh 3, Sông Móng chỉ đáp ứng phần nào. Thực tế, tổng diện tích đất sản xuất của 5 huyện, thị này gần 200.000 ha nhưng đến năm 2020, chỉ có 20.000 ha chủ động nước tưới, tức chỉ chiếm khoảng 10% diện tích. Nông nghiệp ở đây không phát triển nên đời sống người dân chưa thoát khó khăn, dù chính quyền có nỗ lực bằng mọi cách đến thế nào. Vì vậy, kế hoạch xây hồ Kapet sắp tới tại Hàm Thuận Nam là góp phần củng cố mạng lưới công trình thủy lợi hiện có, nhưng quyết định là sự ra đời của hồ La Ngà 3 với dung tích 470 triệu m3 sẽ đóng vai trò dự trữ và san sẻ nước cho toàn vùng phía nam tỉnh.

Đâu chỉ Bình Thuận mà 2 tỉnh liền kề cũng đang nóng lòng chờ nước hồ La Ngà 3, nhất là Đồng Nai với kế hoạch được tưới 16.000 ha cho vùng Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Năm 2016, thời điểm hạn nặng, vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Đồng Nai này vừa không có nước sản xuất, vừa khan hiếm nước sinh hoạt, tỉnh này đã có Văn bản số 4305 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chấp thuận đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 tại Bình Thuận. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục có công văn kiến nghị nhanh khởi công hồ La Ngà 3…

Việc Bình Thuận chọn ưu tiên xây dựng hồ chứa La Ngà 3, dự án đa mục tiêu, trong đó có cả mục tiêu phát điện sử dụng nguồn nước sau thủy lợi là đã giải đúng bài toán “chi phí cơ hội” trong kinh tế học, tức chọn dự án mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Riêng Công ty cổ phần Thủy điện La Ngâu cũng không mất đi cơ hội đầu tư thủy điện như kế hoạch ban đầu, chỉ khác là điều chỉnh từ sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông, suối sang sử dụng nguồn nước sau thủy lợi. Điều đáng nói, từ công trình này, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nếu Trung ương xem xét chấp thuận kiến nghị tại Công văn số 271 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì Bình Thuận được tạo điều kiện không bỏ phí nguồn nước dồi dào vốn bao năm nay chảy ra biển để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội vùng phía nam tỉnh. Từ đây, hàng vạn người dân trong vùng dự án có cơ hội để đổi đời.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025 và nghị quyết của HĐND tỉnh đã xác định hồ La Ngà 3 là công trình thủy lợi chiến lược, quan trọng, tạo nguồn nước với quy mô lớn và duy nhất trên lưu vực sông La Ngà, để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài giải quyết tình hình hạn hán thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ngày càng gay gắt.

BÍCH NGHỊ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”