Vì sao trẻ tái mắc bệnh tay chân miệng?

13/05/2021, 09:22

BT- Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người, nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh và trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần.

                       
Bác sĩ tư vấn và khám bệnh cho bệnh nhi.

Mắc bệnh nhiều lần

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ mắc bệnh tay chân miệng 1 lần, thì không thể mắc lại lần thứ 2. Tuy nhiên trong thực tế, không ít trẻ em mắc bệnh tay chân miệng hơn 1 lần, thậm chí là 4 lần. Chẳng hạn, chị Trần Thị Minh, ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc có bé gái được 2,5 tuổi, nhưng 4 lần mắc bệnh tay chân miệng. Cụ thể, lúc bé được 8 tháng tuổi mắc lần đầu vào năm 2019, lần thứ 2 và 3 vào năm 2020, lần thứ 4 vào đầu năm 2021. Đặc biệt, bé mắc bệnh lần thứ 3 và 4 cách nhau chưa tới 2 tháng. Khi phát hiện mắc bệnh, gia đình đưa bé đến bệnh viện khám và bác sĩ cho điều trị ngoại trú, phải cách ly ở nhà khoảng 1 tuần, bé mới đi tới trường lại.

Chị Minh cho biết: “Tôi thường xuyên lau dọn nhà cửa, rửa sạch đồ chơi, nhưng bé lại mắc bệnh tay chân miệng 4 lần. Thật tình, tôi cũng không biết xuất phát từ đâu”.

Tương tự chị Nguyễn Thị Hồng (Phú Tài, Phan Thiết) cho biết: “Con trai 4 tuổi bị mắc bệnh tay chân miệng 2 lần. Cả 2 lần đều nhẹ, bác sĩ không yêu cầu  nhập viện, chủ yếu cách ly ở nhà và uống thuốc theo toa, lau dọn nhà cửa sạch sẽ”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhưng hiện chưa có vắc xin dự phòng. Trẻ dưới 5 tuổi - tuổi đi nhà trẻ dễ mắc bệnh này. Bởi sức đề kháng của lứa tuổi này còn yếu, khả năng tạo kháng thể chống lại vi rút gây bệnh tay chân miệng thấp. Vì thế, trẻ có thể tái mắc bệnh nhiều lần. Thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng rơi vào tháng 3 - 5 và 9 - 12 hàng năm. 

Gia đình, trường học rất quan trọng trong phòng dịch

Được biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2021 đến nay, tiếp nhận số lượng bệnh nhân bệnh tay chân miệng điều trị nội trú không nhiều, kể cả khám ngoại trú. Tuy nhiên số lượng khám và điều trị tại bệnh viện này thì chưa thể đánh giá được tình hình bệnh chung của tỉnh, do nhiều người dân đưa trẻ đến các bệnh viện tư nhân, hoặc phòng khám tư…

Bác sĩ Ngô Minh Cường - Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa An Phước cho biết: Trong quý 1/2021, số lượng bệnh nhi khám bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện An Phước tương đối đông, kể cả nằm điều trị nội trú. Khi nhập viện, bệnh nhi rơi vào giai đoạn 2 có dấu hiệu biến chứng như: bệnh sốt trên 2 ngày, ngủ giật mình, tay chân run… Nếu bệnh nhẹ, thì bệnh nhi được điều trị ở nhà.

Quý I/2021, Bình Thuận ghi nhận 219 ca mắc bệnh tay chân miệng. Số ca mắc cao gấp 3,8 lần so cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có số ca mắc cao gồm Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Phan Thiết, chủ yếu mắc trong cộng đồng. Riêng tháng 3/2021, toàn tỉnh ghi nhận 106 ca bệnh tay chân miệng, chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc của 3 tháng đầu năm 2021. Sau đó, tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tiếp tục duy trì phát hiện sớm và giám sát các ca bệnh. Đồng thời, có biện pháp kịp thời để khống chế số ca mắc, không để xảy ra dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, gia đình, nhóm trẻ và trường mẫu giáo đóng vai trò chính trong chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Vì vậy, trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập... phải thường xuyên lau sạch, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, gia đình sớm đưa trẻ tới cơ sở điều trị nhằm tránh tình trạng bệnh trở nặng và biến chứng.

Trang Minh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao trẻ tái mắc bệnh tay chân miệng?