Tái cơ cấu nông nghiệp gắn liên kết theo chuỗi giá trị

23/03/2021, 09:11

BT- Sở NN&PTNT đang dự thảo nghị quyết trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị là nhiệm vụ, giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025.

                
Ảnh: Đ.Hòa

Sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ

Theo đó, việc mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của tỉnh. Ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ đang là một trào lưu của thế giới. Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã từng bước cơ bản tạo ra những nền tảng cho giai đoạn 2021 - 2025; tiềm năng, lợi thế tiếp tục được phát huy ngày càng tốt hơn; lợi thế để tăng cường liên kết vùng khi tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh) và Cảng hàng không Phan Thiết sắp được khởi công xây dựng, “điểm nghẽn” về chồng lấn giữa quy hoạch khu vực khai thác, dự trữ titan với các quy hoạch khác bước đầu được quan tâm tháo gỡ; cùng với những nỗ lực đầu tư hạ tầng thủy lợi và phòng chống thiên tai, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp.

Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, lan rộng và ngành nông nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Phát triển nông nghiệp còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu tiếp tục gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành. Huy động nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn để đầu tư cảng cá và khu hậu cần nghề cá bài bản, đầu tư hồ La Ngà 3, các kênh thủy lợi liên vùng gắn với đường trên kênh và kết nối với quốc lộ để tạo ra những vùng sản xuất tập trung mới, vận chuyển vật tư hàng hóa thuận lợi. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách tích tụ ruộng đất theo cơ chế thị trường còn nhiều thách thức.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngang bằng tỉnh bạn. 

Nhiệm vụ và giải pháp

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật; các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư; các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu để cho người sản xuất có thể tiếp cận được các kết quả, các mô hình phát triển.

Cùng với đó rà soát hiện trạng đất đai, căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, cập nhật lại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để xác định không gian phát triển nông nghiệp, trọng tâm là các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Trên cơ sở chỉ rõ quy mô diện tích, phạm vi ranh giới đến từng xã đối với các vùng sản xuất cây, con chủ lực và tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi.

Từ đó, xây dựng bản đồ các vùng sản xuất tập trung và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh làm cơ sở quản lý đất đai. Xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển đối với sản phẩm chủ lực, quan trọng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị…        

Như NguyỄn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn liên kết theo chuỗi giá trị