Từ đại ca giang hồ thành khu phố trưởng

29/05/2019, 08:50

BT- “Đây là lần cuối cùng tao giúp, suy nghĩ kỹ lại đi, đừng để tao phải trực tiếp bắt mày”, ông C quát. Tèo Anh đắng miệng, không phải vì sợ những lời đanh thép trước mặt kia mà vì hối hận.

                
      
Ngoài công việc Trưởng khu phố 1, phường    Lạc Đạo, anh Trần Văn Anh hàng ngày còn chạy xe ôm để trang trải    cuộc sống.

Đại ca Ngã Bảy 

Trước mặt tôi là Trần Văn Anh, bạn trang lứa gọi là Tèo Anh, ở khu phố 1, phường Lạc Đạo, thành phố Phan Thiết. Tèo Anh tuổi đã gần 50, dáng người nhỏ thó, trên người có nhiều vết sẹo, bằng chứng của một thời tung hoành ngang dọc.

“Mình không thể nhớ hết cảnh nghèo khó của gia đình, chỉ nhớ tuổi thơ với những bộ quần áo rách mặc đến trường. Cha mẹ làm thuê, ai thuê gì làm đó không có thời gian quan tâm đến mình. Việc trốn tiết, bỏ học như cơm bữa, lực học yếu dần dẫn đến chán học. Năm học lớp 7 thì nghỉ học, bỏ nhà đi theo băng nhóm giang hồ ở Ngã Bảy”. Giọng Tèo Anh chùn xuống, đôi mắt đượm buồn khi nhắc đến quá khứ và về người mẹ tảo tần, trước khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.  

Ngã Bảy nằm giáp ranh giữa 2 phường Đức Nghĩa và Lạc Đạo là nơi sầm uất nhất của Phan Thiết xưa, với những dãy phố thương mại, rạp chiếu phim, bưu điện, trung tâm văn hóa, quán ăn, quán nhậu… nhưng cũng đầy tệ nạn. Nhiều nhóm giang hồ như Tèo Lì, Phước Chín Ngón, Tuấn Lai… hoành hành ở đây suốt những năm đầu thập niên 80, 90.

Tèo Anh thuộc lứa “đại ca” đàn em, nhưng nhờ lì đòn, liều mạng, nên dù chỉ 20 tuổi, dưới trướng đã có hơn 20 đàn em, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai có hành động chướng tai, gai mắt. Tên tuổi Tèo Anh càng nổi hơn khi ra tay “xử đẹp” nhiều vụ đàn em bị nhóm khác hành hung, do tranh giành địa bàn làm ăn. Biệt danh Tèo Anh đại ca Ngã Bảy cũng gắn liền từ đó, mà nghe đến khiến ai cũng run sợ. Nhiều quán cà phê, nhà hàng ở Ngã Bảy, đầu nậu hải sản ở cảng cá Cồn Chà phải đề nghị làm bảo kê, nếu muốn yên ổn làm ăn, và để không bị các băng nhóm khác quấy phá. Phong cách sống của băng nhóm giang hồ khi ấy hễ có tiền thì tụ tập ăn chơi nhậu nhẹt gây rối, không tiền lại mò đến các quán, cơ sở làm ăn. Nghiễm nhiên khi thấy mặt “đại ca”, mọi chủ quán, cơ sở phải “nôn” tiền ra đưa.

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, “tiền sự dày hơn tiền mặt”, chưa kể tiền án. Cho đến một ngày, Tèo Anh dẫn đàn em đến gặp NH - đứng đầu một băng nhóm ở phường Bình Hưng, để hỏi cho ra lẽ việc băng này đánh đàn em của mình. Hai bên bắt đầu hỗn chiến, và kẻ bại là NH, bị chém trọng thương.

“Sự việc gây ồn ào và công an vào cuộc quyết liệt. Lúc ấy tôi phải bắt đầu cuộc sống trốn chạy nhiều nơi, ban ngày chỉ biết ở trong nhà, đêm đến mới dám ra ngoài. Nhưng “lưới trời lồng lộng”, cuối cùng tôi cũng bị bắt và phải đi tù nhiều tháng sau đó tại Trại giam Huy Khiêm, ở huyện Tánh Linh”. Tèo Anh nhớ lại. 

                
Kỷ niệm chương của Bộ Công an và giấy khen    của Công an tỉnh.

Hoàn lương

Trong tù, 10 phần thì hết 7 phần Tèo Anh tỉnh ngộ, khi phải nghĩ đến cảnh đánh nhau rồi trốn chui trốn nhủi, chó sủa cũng giật mình, ăn ngủ không yên, khi công an lùng sục tìm kiếm. Và nhất là hình ảnh người mẹ già lặn lội đường xa vào trại thăm nuôi, lầm lũi ra về bên ngoài song sắt đã in sâu vào tâm trí quyết hoàn lương của Tèo Anh.  Tuy vậy khi ra tù được một thời gian, tiếp xúc với môi trường đầy cám dỗ bên ngoài, Tèo Anh trở lại con đường cũ. Rồi một ngày, Tèo Anh gặp anh Lê Văn C - cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), khi đó đã đích thân đến gặp và nói chuyện với Tèo Anh.  “Em đi chăn bò cho anh, anh trả lương đều đặn hàng tháng, đừng lạc lối nữa… Không có tương lai đâu?”. Tôi ngạc nhiên cắt ngang lời hỏi, nhà anh C có nuôi bò?. Ừ đúng rồi, anh nuôi vài con thả ở khu vực Suối Cát. “Thời đó ai cũng khổ, với đồng lương ít ỏi, nhiều cán bộ, công chức phải tăng gia thêm như, làm muối mắm, nuôi heo, nuôi bò… cải thiện cuộc sống”, Tèo Anh nhớ lại.

Chẳng cần đắn đo suy nghĩ, Tèo Anh đồng ý, rồi trở thành một gã chăn bò. Được một thời gian thì chán, Tèo Anh đi làm trông xe tại các quán cà phê…Tuổi trẻ bồng bột, không chịu được những công việc thấp hèn nhưng lương thiện, Tèo Anh quay lại chốn giang hồ, vì khi ấy không thể bỏ đám đàn em tứ tán, và vị thế “đại ca” phải đánh đổi bằng máu để gầy dựng. Tiếp tục với cuộc sống giang hồ, Tèo Anh nhiều lần liên quan đến các vụ việc mất an ninh trật tự tại địa phương, phải thường xuyên lên xuống đồn công an. Tèo Anh nhớ lại: “Bên ngoài luôn được đàn em cung phụng, săn đón. Đúng là lúc ấy, để cảm hóa một con người trẻ tuổi ngang bướng như tôi, thật không dễ tí nào”. Lần cuối cùng, anh C bảo lãnh cho Tèo Anh ra khỏi trại tạm giam, và ông tuyên bố: “Đây là lần cuối cùng tao giúp mày. Suy nghĩ kỹ đi, đừng để tao phải trực tiếp bắt mày”.

Bất ngờ trước lời nói kiên quyết, gay gắt của anh C, Tèo Anh như tỉnh ngộ. Lần đầu tiên trong con người của một tên giang hồ lì lợm, Tèo Anh cảm giác thấy bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời. “Lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều, “một cán bộ công an đầy uy quyền sống hết lòng vì mình… Anh ấy cũng chẳng được lợi gì, còn rước của nợ là mình vào thân…”. Đêm cuối năm 1998, khi nhà nhà đang chuẩn bị cho cái tết và cũng  là thời điểm công an siết chặt an ninh hơn cho người dân đón tết an lành, thì Tèo Anh tìm đến anh C lí nhí nói: “Em hứa sẽ không phụ lòng anh. Từ đây, em nghe anh!”.

Rồi một cuộc nhậu chia tay với đàn em diễn ra. Tèo Anh chính thức gác kiếm, giã từ chốn  giang hồ và không quên căn dặn đàn em trở về làm người tốt, còn mình về làm dân quân tự vệ khu phố 1, phường Lạc Đạo.

Khu phố trưởng làm dân vận khéo

Sau lời tuyên bố đanh thép của anh C, Tèo Anh nhận ra rằng, giang hồ chẳng bao giờ có đất sống lâu dài. Anh quyết tâm làm lại cuộc đời, tận tụy với công việc. Ngày mưa cũng như ngày nắng, không quản khó khăn mệt nhọc, Tèo Anh cùng tham gia tuần tra giữ ANTT khu phố. Thỉnh thoảng gặp mấy thằng đàn em lôi kéo trở lại con đường cũ, làm bảo kê cho những cơ sở hải sản ở cảng cá, Tèo Anh đều từ chối. Những lúc như thế, Tèo Anh không quên nhắn nhủ đàn em: “Tụi mày đi tìm một công việc đàng hoàng mà làm, làm người lương thiện dễ sống. Bây giờ anh tập trung lo cho an ninh địa phương. Dù nghèo nhưng cảm thấy sống thoải mái”.

Kể từ ngày Tèo Anh rời giới giang hồ, bằng kinh nghiệm của người từng trải, qua công tác vận động, nhiều đối tượng hình sự, giang hồ mới ra tù được Tèo Anh cảm hóa, chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời. Từ đó khu phố nơi anh đảm nhận công tác cũng trở nên bình yên hơn. Tèo Anh đã hỗ trợ Công an tỉnh làm rõ nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn, trong đó có vụ án giết người ở Ngã Bảy vào năm 1997. Ngoài ra Tèo Anh còn bắt đối tượng truy nã mang tội danh giết người ở Mương Mán (Hàm Thuận Nam), trốn đến khu phố 1 hành nghề xe ôm. Nhận xét về Trần Văn Anh, ông Ngô Minh Doanh - Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Lạc Đạo chia sẻ, Trần Văn Anh là người được cảm hóa, nhưng rất có năng lực đối ứng với tội phạm và trong vận động, thuyết phục. Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ an ninh khu phố, Anh còn làm tốt công tác vận động người dân tham gia đóng góp vào các quỹ như Quỹ vì người nghèo, Tiếp bước cho em đến trường. Anh điều hành khu phố rất bao quát, chắc việc, được người dân khu phố tin yêu.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Tèo Anh, Bộ Công an đã tặng kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Công an tỉnh, UBND TP. Phan Thiết và phường tặng nhiều giấy khen. Đại ca giang hồ đã lùi vào quá khứ, giờ đây Tèo Anh là Trần Văn Anh - khu phố trưởng khu phố 1, phường Lạc Đạo suốt 15 năm qua, được người dân nể phục về tấm gương hoàn lương. Dù chế độ hiện cho một trưởng khu phố hàng tháng không đủ lo cho gia đình, phải đi làm thêm, chạy xe ôm để cải thiện cuộc sống. Nhưng mỗi ngày làm một công việc tốt, thì  bản thân cảm thấy rất vui. “Nếu lúc đó, khu phố không mạnh dạn nhận mình vào tham gia tổ bảo vệ dân phố, thì bây giờ có lẽ mình vẫn là người xấu”, Tèo Anh cười hiền nói.   

Lê Ninh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ đại ca giang hồ thành khu phố trưởng