
Nhân dân trong tỉnh rất vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ của tỉnh bởi tiềm năng của địa phương khá thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có như: đường hàng hải, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển và sắp tới là đường không. Không những thế, tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài, ngư trường rộng rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển về du lịch. Các khu công nghiệp ngày càng nhiều cũng là lợi thế để tỉnh Bình Thuận phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển là yếu tố then chốt nhưng thực tế hiện nay tỉnh đang thiếu lao động có trình độ cao, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật… Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV đặt ra mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Trong đó, nhân lực là nhân tố quyết định thắng lợi mọi mục tiêu nên tỉnh chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Để thực hiện tốt nghị quyết này, tỉnh Bình Thuận cũng đã tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi số và đã có những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số, là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng để đưa Bình Thuận sớm nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Bên cạnh đó tỉnh còn tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Bình Thuận, công tác dạy nghề ngày càng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, các cơ sở dạy nghề có nhiều điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần gia tăng về số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo nghề. Cùng với đó tỉnh còn chú trọng tới việc xây dựng, củng cố và từng bước tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở dạy nghề. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo như: đào tạo lưu động tại các thôn, xã, hợp tác xã… nhằm giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Các cơ quan chức năng còn ký kết nhiều chương trình phối hợp liên tịch với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để tuyên truyền công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên các cấp hội tại các huyện, xã và thôn. Mỗi năm, còn có hàng trăm học sinh được đào tạo nghề và kết nối việc làm từ ngôi trường trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Năm học 2024 - 2025, trường đã tuyển sinh 550 học sinh của tỉnh theo học trình độ trung cấp đạt 137,5% chỉ tiêu được giao. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được xem là 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước. Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đó là việc các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nguồn nhân lực đi trước đón đầu khi xây dựng cơ cấu đào tạo lực lượng lao động phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, chú trọng công tác đào tạo nghề, khắc phục tình trạng đào tạo thừa thầy thiếu thợ và đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.
Để tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời xây dựng chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.