Phú Quý sẽ trở thành Đặc khu mới của đất nước

07/05/2025, 05:25

Bài 2: Phát huy lợi thế từ biển gắn với phát triển du lịch xanh

Phú Quý ngoài lợi thế để phát triển kinh tế biển, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đây là lợi thế để Phú Quý vừa phát triển kinh tế biển, vừa phát triển du lịch xanh.

dsc_4446.jpg

Trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh

Trong chuyến công tác tại huyện đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Ngô Tấn Lực dẫn chúng tôi đi thăm các chợ hải sản ngay sát bờ biển. Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, cảng Phú Quý đã nhộn nhịp bởi sự hối hả của ngư dân, tiểu thương chờ những chiếc thuyền đánh bắt cập bến tạo nên một không khí náo nhiệt. Dọc bờ biển Phú Quý có rất nhiều điểm chợ bán hải sản tươi sống. Ông Lực cho biết, sáng nào cũng vậy hàng chục tiểu thương người địa phương xuống cảng biển mua cá, mực từ tàu thuyền vừa cập bờ. Từ khi nơi đây được biết đến là một địa chỉ du lịch, huyện đảo Phú Quý đã đầu tư, quản lý các khu chợ cá bài bản hơn, phục vụ du khách sau khi đến các chợ tham quan, du lịch, mua hải sản tươi sống ngay tại bãi biển mang về đất liền. Các phiên chợ cá dần trở thành nơi trao đổi mua bán trực tiếp giữa ngư dân và khách du lịch. Sau khi tham quan các chợ hải sản, chúng tôi di chuyển về khu vực nuôi cá lồng bè, thuộc xã Long Hải, huyện Phú Quý. Với lợi thế là vùng biển sâu, sạch, thời gian qua huyện Phú Quý đã tập trung phát triển thủy sản nuôi theo hướng bền vững. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, với diện tích 14.484,9 m2, trong đó có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2, 11 hồ chắn với diện tích nuôi trồng là 5.183,9 m2. Các loại hải sản chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm... năng suất nuôi trung bình hàng năm đạt khoảng 100 tấn. Ngoài ra, huyện Phú Quý còn có hàng chục cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Năng lực tàu thuyền của Phú Quý hiện có 1.735 chiếc/7.540 lao động, trong đó thuyền công suất trên 90 CV được 594 chiếc, bao gồm thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 130 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 32 ngàn tấn, riêng năm 2024 đạt trên 36 ngàn tấn. Với rất nhiều lợi thế trong đánh bắt, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Mục tiêu của Đề án đến năm 2030, xây dựng đảo Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước. Đây là kỳ vọng của huyện để tiếp tục xây dựng đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc của quần đảo Trường Sa.

dsc_1414.jpg
dsc_8642.jpg

Phát triển du lịch xanh

Nhiều du khách khi đặt chân đến Phú Quý đều cho rằng: Phú Quý như hòn ngọc giữa biển đông bởi giữa đại dương mênh mông, ẩn mình một hòn đảo nhỏ bé yên bình với làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn cùng những danh lam thắng cảnh hữu tình mà không nơi nào có được. Quanh đảo bãi biển nào cũng vậy đều trong xanh, những rạn san hô đầy màu sắc và không gian tĩnh lặng, tạo nên một điểm đến lý tưởng để khám phá. Dù giữa hàng loạt địa điểm du lịch nổi tiếng, Phú Quý vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ và cuộc sống bình dị của người dân nơi đây. Núi Cao Cát, một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Phú Quý, nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và giá trị tâm linh sâu sắc. Ngoài ra, Phú Quý còn có các điểm du lịch nổi tiếng như: Gành Hang, Cột mốc chủ quyền, Dốc Phượt, Mộ Thầy, chùa Linh Sơn, Lạch Dù, điểm ngắm hoàng hôn tại vịnh Triều Dương, hay các điểm check-in đang “hot” trên mạng xã hội như: Cây cô đơn, làng chài, hồ vô cực, một số homestay view biển… Đặc biệt là những xóm chài ven biển yên bình trên đảo mang đến cho du khách những bức ảnh tuyệt đẹp, tái hiện và được hòa mình với không khí ấm áp, chân thật của những ngư dân làng chài. Điều đặc biệt nữa là, từ trước năm 2014, huyện Phú Quý có thời gian sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ 16 giờ/ngày, là một trong những điểm “nghẽn” trong phát triển, nhất là trong phát triển du lịch. Từ ngày 1/7/2014, điện ở Phú Quý được cấp đủ 24 giờ không chỉ tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, tuyến tàu cao tốc Phan Thiết - Phú Quý có 4 hãng tàu đã thay thế tàu sắt trước kia chuyên chở khách từ Cảng Phan Thiết ra Phú Quý và ngược lại chỉ với thời gian từ 2 - 2 giờ 30 phút, thay vì trước kia từ 6 - 7 giờ. Với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quý đã tập trung vào phát triển du lịch, cùng với đó là phát triển thêm các dịch vụ khác. Với phương châm là, Đảng bộ, chính quyền và nhân trong huyện cùng phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nội dung văn hóa sâu sắc, ưu tiên phát triển du lịch bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, con người Phú Quý. Từng bước chuyển dịch cơ cấu đưa ngành du lịch vươn lên thành một trong những ngành trung tâm thu hút nguồn lực và đóng góp giá trị cao cho kinh tế huyện.

dsc_8831.jpg
_mg_1361.jpg
dsc_8822.jpg

Thu hút du khách đến Phú Quý lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa biển đảo đậm đà trong nhân dân để phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bảo đảm đa dạng, đặc sắc, thu hút. Với sự quyết liệt của huyện Phú Quý trong phát triển du lịch xanh, bền vững, đến nay du khách đến với Phú Quý ngày càng đông hơn. Chỉ tính trong quý I/2025, Phú Quý đón hơn 24.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 1.250 lượt khách, tăng hơn so với quý đầu năm 2024 với 23.780 lượt khách, trong đó có 985 lượt khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cao tầng, dịch vụ được nâng lên, toàn huyện hiện có 19 khách sạn/393 phòng/628 giường và 41 nhà nghỉ - villa/364 phòng/479 giường và gần 100 homestay, nhà trọ, trên 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn huyện...

Bài 1: Biến khó khăn thành cơ hội phát triển kinh tế - xã hội

PHAN LIÊN

Related articles
Phú Quý sẽ trở thành Đặc khu mới của đất nước
Bài 1: Biến khó khăn thành cơ hội phát triển kinh tế - xã hội

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý sẽ trở thành Đặc khu mới của đất nước