Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin tại Ấn Độ, các quan chức cấp cao khác của nước này cũng đã thông báo tóm tắt thông tin liên quan cho các đối tác ở Anh, Nga, Arab Saubia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Giới phân tích đánh giá cuộc không kích của Ấn Độ vượt xa phản ứng của New Delhi đối với các cuộc tấn công trước đó ở Kashmir mà nước này từng cáo buộc đổ lỗi cho phía Pakistan. Trước đó vào năm 2019, Ấn Độ được cho là đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào Pakistan sau khi 40 cảnh sát bán quân sự của New Delhi thiệt mạng ở Kashmir. Trước đó nữa là hành động trả đũa của Ấn Độ sau vụ 18 binh sĩ của nước này thiệt mạng vào năm 2016.
Hiện nay, Mỹ đang được xem là đóng vai trò cầu nối trong giải quyết những cằng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Theo đó, Ấn Độ là đối tác quan trọng của Mỹ, nhất là trong chính sách kéo giảm sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực và trên toàn cầu. Trong khi đó, Pakistan vẫn là được đánh giá là đồng minh thiết yếu của Washington ngay cả khi tầm quan trọng của nước này giảm sút sau khi Mỹ rút quân khỏi nước láng giềng Afghanistan vào năm 2021.
Ngay sau vụ tấn công quân sự của Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là nhà lãnh đạo nước ngoài sớm nhất lên tiếng. Ông gọi căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan là "điều đáng tiếc", đồng thời nhấn mạnh "chỉ hy vọng nó kết thúc thật nhanh".
"Thật đáng tiếc, chúng tôi vừa mới nghe tin này", ông Trump nói tại Nhà Trắng, sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố đã tấn công các "trại khủng bố" trên lãnh thổ nước láng giềng phía Tây.
"Tôi đoán là mọi người đã biết điều gì đó sẽ xảy ra, dựa trên quá khứ. Họ (Ấn Độ và Pakistan) đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ, và thực ra là nhiều thế kỷ, nếu bạn suy nghĩ kỹ", ông Trump nói thêm.
Trong những ngày gần đây, Washington đã thúc giục các nước láng giềng hợp tác với nhau để giảm căng thẳng và đi đến một "giải pháp có trách nhiệm". Vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã liên lạc với các nước láng giềng châu Á ở nhiều cấp độ và chính Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã có cuộc điện đàm với cả quan chức cấp cao của hai quốc gia.
Trước đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump đã từng đề nghị hỗ trợ Ấn Độ sau vụ tấn công ngày 22/4 khiến 26 người thiệt mạng – được xem là nguồn cơn của cuộc tấn công quân sự trong ngày 7/5 vào Pakistan. Theo đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố khẳng định những hành động quân sự của nước này trong ngày 7/5 diễn ra sau "vụ tấn công khủng bố" ở Pahalgam khiến 25 người Ấn Độ và một công dân Nepal thiệt mạng. New Delhi đã cáo buộc Islamabad ủng hộ các đối tương thực hiện vụ tấn công này - cáo buộc mà đến nay Pakistan vẫn bác bỏ và kêu gọi một cuộc điều tra trung lập. Tuy nhiên trước quan điểm trên của Ấn Độ, các quan chức Mỹ không đổ lỗi trực tiếp cho Pakistan trong vụ việc nêu trên.
Nhiều nhà phân tích nhận định nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột quân sự giữa hai nước láng giềng tại châu Á là vấn đề Kashmir. Thời gian qua, cả Ấn Độ với đa số người theo đạo Hindu và Pakistan theo đạo Hồi đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Kashmir - nơi có đa số người theo đạo Hồi, trong đó mỗi bên dường như chỉ kiểm soát một phần trên thực địa.