Nghiêng mình tiễn biệt nhạc sĩ - nhà văn - nhà báo Huy Sô!

18/04/2025, 06:48

Khoảng 18 giờ, hoàng hôn ngày 15/4/2025 (18/3 Ất Tỵ) chân trời Phan Thiết chưa tắt nhưng tôi lại nhận được hung tin, tắt rồi một “Đấng hồn quê”! Mặc dù được đại gia đình tận tình chăm sóc nhưng do các chứng bệnh già, tuổi cao, sức kiệt nên lão nhạc sĩ Huy Sô đã về với tiên tổ vào lúc 15 giờ 20 phút ngày tháng như nói trên, thượng thọ 98 tuổi (ông sinh ngày 2/1/1928 - Đinh Sửu).

Xúc cảm thương tiếc dâng trào, ngay trong chiều hoàng hôn đó, tôi ngồi vào bàn viết đôi dòng thay nén tâm nhanh tiễn biệt ông - một nhạc sĩ cách mạng- một nhà báo lão thành - một nhà văn nhân sinh luôn lạc quan yêu đời, yêu nghề!

huy-sso.jpg

Khoảng thời gian thập niên 90 thế kỷ trước, ở lĩnh vực hoạt động báo chí tỉnh nhà, nhạc sĩ - nhà văn - nhà báo Huy Sô Huỳnh Sanh Châu là một tấm gương sáng về bút lực và kiến văn. Ông lúc đó đương chức Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác được phân công, ông là cộng tác viên (CTV) đặc biệt của Báo Thuận Hải và sau đó là Báo Bình Thuận (CTV của báo BT), nhưng ông vẫn là nhà báo có thẻ do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp, ông trong Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Thuận. Thường cuối giờ chiều ông đạp xe đạp từ số 06 Nguyễn Tri Phương - Văn phòng Hội VH-NT qua 232 Trần Hưng Đạo - Tòa soạn Báo Bình Thuận nộp bài và trò chuyện với chúng tôi - những nhà báo trẻ mà ông rất yêu thương. Báo lúc đó có mở chuyên mục “Quê hương - đất nước - con người Bình Thuận” là những bài viết nghiên cứu, khảo cứu, phê bình, trao đổi ý kiến, có những bài mang tính “bút chiến” rất hấp dẫn, rất thu hút độc giả, đặc biệt, những CTV chủ lực tham gia chuyên mục này là những tên tuổi uy tín trong “trường văn trận bút”: Phan Minh Đạo, Huy Sô, Trương Công Lý, Phan Chính, Phan Bình… Nhìn hình tướng bên ngoài của nhạc sĩ Huy Sô rất bình dân, ông giao tiếp rất dung dị đến dễ dãi nhưng ông rất kỹ tính, thậm chí là khó tính trong văn chương, thận trọng trong sử dụng ngôn từ báo chí, nhất là tính xác thực. Còn nhớ ông có đăng liên tiếp hai bài viết với tiêu đề “Đã kê sao còn gà”. Nội dung nói về địa danh Mũi điện Tân Thành, không thống nhất ai muốn gọi Khe Gà hoặc Kê Gà cũng được, kể cả dùng trong các văn bản cũng vậy, ai thích gì gọi đó, viết đó. Với kiến văn của mình ông kiến giải trong 1 cập từ không thể có từ ghép cùng nghĩa giữa một chữ Hán và một chữ Việt (Nôm), để có bài viết chính xác, ông đến địa danh đó nhiều lần để gặp các bậc cao niên, đồng thời nghiên cứu các văn bản Pháp ngữ, qua khảo cứu ông kiến nghị chính quyền địa phương nên thống nhất gọi địa danh này tên Khe Gà. Ông giỏi tiếng Pháp, có học và nghiên cứu Hán Nôm, học tiếng Nga lúc sang du học ở Học viện Quốc gia âm nhạc Liên Xô và tự học tiếng Chăm lúc làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin được giao nhiệm vụ nghiên cứu - sưu tầm văn hóa dân gian Chăm. Còn rất nhiều chuyện về nghề báo đối với ông mà chúng tôi được nghe được thấy, nhất là tại các kỳ Đại hội Hội Nhà báo tỉnh. Tại các kỳ đại hội ông đều đăng ký tham luận, nhưng không bao giờ bằng văn bản mà chỉ nói vo. Có những lần ông đã làm cho hội trường đại hội đang căng thẳng thay bằng những tràng cười, vỗ tay, ai cũng nhẹ nhàng thư thái. Có lần đại hội, ngồi gần bên ông, tôi hỏi: Chú tham luận đề tài gì. Ông mỉm cười, mắt đá lông nheo hóm hỉnh: “Nhà báo trẻ cần vui vẻ, nhà báo già cần Yamaha”, tưởng ông nói giỡn, nhưng ông nói thật. Ông đăng đàn nói về sự lạc quan cần thiết của nghề báo nhất là những nhà báo trẻ. Đối với nhà báo lớn tuổi, hưu trí thì phải Yamaha, tức là già mà ham vui (vẫn phải ham vui), già mà vẫn ham karaoke, già mà vẫn ham cà phê, già mà vẫn ham đi coi cine... Lúc sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh tỉnh ông còn lập ra cả đội văn nghệ đặt tên YAMAHA, ông ôm cây măng-đô-lin đưa đội đi giao lưu nhiều nơi. Ở ông là cả một bầu trời lạc quan vui vẻ. Có lần tôi hỏi ông: Chú giống nhân vật Lão Ngoan Đồng của nhà văn Kim Dung. Ông trả lời, giống được quá tốt. Huỳnh Thanh có thấy Lão Ngoan Đồng trẻ mãi không già, tính vui vẻ trẻ con, có lúc đến ngờ nghệt nhưng làm cho nhân vật phản diện Tây Độc Âu Dương Phong có lúc thất điên bát đảo, tẩu hỏa nhập ma. Nói chuyện báo chí hơi dài giờ xin chuyển sang chuyện chính: Cuộc đời cách mạng, sự nghiệp âm nhạc và văn chương của ông.

Huy Sô tên thật là Huỳnh Sanh Châu, sinh ngày 2/1/1928, quê ở Phan Thiết, Bình Thuận. Khi nhắc đến tên Huy Sô, công chúng biết ông là một nhạc sĩ, vừa làm thơ, vừa viết văn, viết báo. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, từ năm 1962 đến 1964, ông được cử đi tu nghiệp âm nhạc 2 năm tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Mátxcơva – Liên Xô cũ, rồi về nước hoạt động văn nghệ. Sau năm 1975, ông về lại quê nhà Bình Thuận, tiếp tục làm việc và sáng tác. Ông là một trong những người trong ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 2000, ông nghỉ hưu theo chế độ. Căn cứ vào sự nghiệp sáng tác của ông, Nhà nước phong tặng ông danh hiệu nghệ sĩ ưu tú vào ngày 28/11/2023.

Ông có thời gian sáng tác khoảng 70 năm. Số lượng tác phẩm gần 200 bài thuộc nhiều thể loại. Bao gồm: Ca khúc, hợp xướng, đoản khúc cho kèn, và các tác phẩm văn học khác. Đề tài ca ngợi quê hương, đất nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng. Biển và những người dân chài là đề tài xuyên suốt trong các ca khúc của ông.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Tôi yêu đảo nhỏ quê hương, Bình minh trên sông Mêpu, Quê tôi miền gió cát, Hòa bình chim ca vang, Đậm đà câu hát quê hương, Phan Thiết khúc tình ca, Hát về mùa xuân tương lai, Tên Người sống mãi, Nhớ ơn Đảng quang vinh, Em đi trồng cây, Bóng Bác trên quê hương tôi.

Hợp xướng: Tiếng gọi từ biển đảo, Ngôi sao dẫn đường, Quê tôi miền gió cát, Nam quốc sơn hà, Cả cuộc đời thao thức. Tổ khúc: Cả cuộc đời thao thức (phổ thơ Hồ Chủ tịch). Các tác phẩm khác: Các bài hát Nhắn anh trong đồn, Tiếng hát ru em (thời kỳ kháng Pháp), Tiến vào Khe Sanh, Cồn Cỏ anh hùng, Qua những nhịp cầu, Những tên làng gọi chúng ta đi, Bài ca lao động, Tiếng hát của những người đi xa (thời kỳ chống Mỹ). Ngoài âm nhạc, ông còn sáng tác văn, thơ và tham gia biên soạn Địa chí Bình Thuận. Một số tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm: Tập ca khúc Mãi như mùa thu (in chung - 1985). Tập ca khúc (kèm băng nhạc cassette) Hát về mùa xuân tương lai (1997). Các tập truyện ngắn Mặt trời tháng Ba (1987), Huyền thoại về Láng nước nổi (1997). Tập thơ Những vần thơ đi cùng năm tháng (2009).

Thay mặt Ban Biên tập, cán bộ, biên tập viên, phóng viên Báo Bình Thuận gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến đại gia đình ông- Nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo Huy Sô - Huỳnh Sanh Châu. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt ông!

HUỲNH THANH

Related articles
Câu chuyện về chợ Gò
Kỳ 2: Nhân vật và sự kiện

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiêng mình tiễn biệt nhạc sĩ - nhà văn - nhà báo Huy Sô!