Nhiều lĩnh vực đã được ưu tiên chuyển đổi số

24/02/2025, 09:51

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ số và kinh tế số. Từ đó, Đảng ta cũng đã chỉ ra định hướng mang tính chiến lược đó là: “Chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số”.

7572c7fb5d53e20dbb42.jpg
Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Số hóa nhiều lĩnh vực

Hiện thực hóa những chủ trương trên, tỉnh Bình Thuận đã có định hướng phát triển chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó chú trọng thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt là tỉnh đã ưu tiên chuyển đổi số cho một số lĩnh vực. Theo đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp đã chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành và sản xuất thông minh. Sử dụng phù hợp các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm ngày càng chất lượng. Lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai, sử dụng các phần mềm, nền tảng số phục vụ hoạt động chuyên môn của ngành theo chỉ đạo, triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời triển khai phần mềm “Chuẩn hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu nông thôn tỉnh”. Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị di động phục vụ tuần tra, quản lý, xác minh, giám sát, tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, số hóa quy trình xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực du lịch xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận với tên miền “muinevietnam.vn” và ứng dụng di động trên nền tảng Android và iOS với tên “Binh Thuan Tourism”. Tích hợp các cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành du lịch và bản đồ số về du lịch Bình Thuận, tạo thuận lợi, hỗ trợ du khách chủ động trong việc lên lịch trình, tìm kiếm những địa điểm lưu trú, ẩm thực, góp phần chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch địa phương. Đồng thời phát triển các ứng dụng dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR360), sử dụng QR Code để giới thiệu các điểm tham quan đặc trưng của tỉnh. Số hóa Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, Dinh Thầy Thím, Thắng cảnh Bàu Trắng để đưa vào phục vụ nhân dân và du khách. Lĩnh vực thương mại, xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng sàn thương mại điện tử Bình Thuận, hiện có 82 doanh nghiệp đăng ký tham gia với hơn 226 sản phẩm các loại. Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận đã có 147 sản phẩm của các cơ sở được tạo QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm phục vụ cơ bản cho hoạt động thương mại điện tử của địa phương.

14fdd9cf99cb24957dda.jpg

Phấn đấu trong top 20

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hiện thực hiện Dự án đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng CSDL hạng mục đo đạc bản đồ địa chính. Từng bước xây dựng, phát triển CSDL về đất đai, CSDL về tài nguyên khoáng sản, CSDL về tài nguyên nước, phát triển bản đồ số toàn ngành tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó còn triển khai xây dựng một số hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát, khai thác tài nguyên khoáng sản; phần mềm Quản lý hoạt động cấp phép, giám sát khai thác tài nguyên nước, đồng thời đưa vào sử dụng Phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc tự động (Envisoft) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng phát triển hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, chi bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giải pháp phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Mạng lưới chấp nhận thanh toán hàng tiện ích và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển. Lĩnh vực y tế đã triển khai, sử dụng các phần mềm, nền tảng số phục vụ hoạt động chuyên môn của ngành theo chỉ đạo, triển khai của Bộ Y tế. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo đạt 92% tổng dân số. CSDL ngành y tế từng bước được hình thành chủ yếu từ các hệ thống thông tin, nền tảng số đang sử dụng, bước đầu cung cấp dữ liệu cơ bản cho Phân hệ điều hành y tế trong IOC Bình Thuận. Thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế được quan tâm triển khai ở nhiều bệnh viện. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã triển khai, sử dụng các phần mềm, nền tảng số phục vụ hoạt động chuyên môn của ngành theo chỉ đạo, triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu) đã triển khai sử dụng cho 746 trường, đạt 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. CSDL ngành từng bước được hình thành chủ yếu từ các hệ thống thông tin, nền tảng số đang sử dụng, bước đầu cung cấp dữ liệu cơ bản cho Phân hệ điều hành giáo dục trong IOC Bình Thuận, sử dụng nền tảng số phổ biến phục vụ giảng dạy và học tập. Lĩnh vực hành chính công, trụ sở làm việc, hạ tầng thiết bị, nền tảng số đã được nâng cấp, đầu tư, triển khai thống nhất, đồng bộ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh triển khai đồng bộ cả 3 cấp; CSDL về thủ tục hành chính của tỉnh được phát triển hoàn thiện và đồng bộ với CSDL quốc gia về thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác…

Việc thực hiện đồng bộ các lĩnh vực về phát triển hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực không chỉ giúp Bình Thuận đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TU đã xác định là đến năm 2030 lọt vào top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của tỉnh trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ.

PHAN LIÊN

Related articles
“Phá dớp” ngọt ngào
Mùa giải này chứng kiến một Man City “bạc nhược” nhất kể từ khi Pep Guardiola tiếp quản. Cựu tiền đạo Anh Chris Sutton dự đoán Liverpool thắng dễ dàng Man City trong trận cầu “đinh” Premier League. Thực tế trận đấu đã diễn ra đúng như dự đoán của Sutton. Nhẹ nhàng thắng đối thủ 2-0, Liverpool ngọt ngào “phá dớp” 10 năm không thắng tại Etihad.

(0) Comments
Focus
Hàm Tân đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2025, Hàm Tân sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn theo kế hoạch, định hướng của tỉnh và địa phương đối với lĩnh vực này. Nhất là về hạ tầng dữ liệu số, nền tảng số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều lĩnh vực đã được ưu tiên chuyển đổi số