Ngô Đức Tốn - từ gia thế truyền thống thời dựng Đảng

05/02/2025, 05:11

Ở khu du lịch ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến (thị xã La Gi- Bình Thuận) với những ngày đầu xuân khách thập phương đi lễ ngày tảo mộ Dinh Thầy Thím khá rộn ràng, đặc trưng cái đẹp truyền thống xưa nay.

Nhưng với không khí, quang đãng của biển trời Tam Tân dễ cảm nhận đến thời kỳ dựng Đảng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, tái hiện khí thế hào hùng đó qua biểu tượng Di tích Dốc Ông Bằng sừng sững kiếm báu uy nghiêm. Thế hệ trẻ đã coi đây là một địa chỉ đỏ để tri ân và tự hào về lớp người tiên phong, tạo nên dấu ấn lịch sử đặc biệt của tỉnh. Đó là vào năm 2005 tỉnh Bình Thuận ra quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử cách mạng Dốc Ông Bằng - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh tại làng Tam Tân vào khoảng cuối năm 1930. Tuy vậy, với quãng dài gần một thế kỷ trên trang sử vẫn chưa thể nói hết cuộc đời, sự nghiệp cách mạng về những nhân vật của buổi đầu đầy thử thách, hiểm nguy, đáng trân trọng đó.

ngo-duc-ton.jpg

Làng Tam Tân trở mình

Tôi có may mắn trong quá trình tham gia công tác “ghi chép” một số trang lịch sử cách mạng địa phương dù chỉ tư cách “nghiệp dư” nhưng với ý thức là phải tường tận, khách quan… Đó là cuộc đời, gia thế của Ngô Đức Tốn, người khơi nguồn để hình thành tổ chức Phản đế Đồng minh hội rồi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Tam Tân, trong hoàn cảnh của một làng quê nghèo khó, trình độ dân trí còn thấp. Những năm 1925 - 1927, cuộc cách mạng ở Bình Thuận diễn ra sôi nổi, lực lượng cán bộ đảng viên Đảng Tân Việt có khuynh hướng tiến bộ đã hòa nhập, tán đồng các chủ trương, con đường tranh đấu của tổ chức Đảng Cộng sản đang phát triển. Dấu mốc lịch sử ở Hàm Tân phải kể đến vai trò Ngô Đức Tốn khi đặt chân đến đây năm 1928, sau khi ở Phan Thiết được tuyên truyền giác ngộ về con đường cách mạng bởi gia đình Lê Trọng Thiều, Lê Trọng Mân, cùng quê Hà Tĩnh trong tổ chức Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ và sau đó được ông Dương Chước (Trợ Châm) là một đảng viên Cộng sản từ Khánh Hòa vào Bình Thuận, tuyên truyền rồi kết nạp Ngô Đức Tốn vào Đảng CSVN cuối năm 1929 (1). Thầy giáo Ngô Đức Tốn đến dạy học ở trường làng Tam Tân nhưng đã âm thầm thực hiện khát vọng, xây dựng cơ sở cách mạng để góp phần vào đại cuộc.

Từ nguồn tư liệu chưa nhiều của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thuận Hải - Bình Thuận, cho nên rất cần một tiểu sử đầy đủ về gia thế của nhân vật lịch sử này. May mắn, tôi có cơ hội đọc các hồi ký của một số cán bộ địa phương tập kết ra Bắc, trở về sau ngày thống nhất đất nước. Qua tiếp cận, trong số đó với ông Ngô Quang Minh, cũng là một nhà giáo cùng thời với Ngô Đức Tốn. Ông Ngô Quang Minh từng công tác tại Bộ Ngoại giao khi ở miền Bắc, chợt nhớ đến ông Ngô Đức Đệ, với ý định tìm kiếm họ hàng và biết ông có thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và chức vụ trước ngày nghỉ hưu là Viện trưởng Viện Huân chương lại là anh ruột của Ngô Đức Tốn, nhưng chỉ biết chừng đó, vì hai anh em mỗi người hoạt động mỗi miền mỗi ngã rồi biền biệt, bặt tin nhau. Một chi tiết trong hồi ký của ông Ngô Quang Minh rất cảm động về ngày mất của Ngô Đức Tốn, bấy giờ ông Minh đang dạy học ở Duồng (Tuy Phong), sau đó về Phong Điền lấy vợ và tiếp tục công tác ở đây. Theo ông Minh kể lại, mùa hè 1931, thầy giáo Ngô Đức Tốn ra Phan Thiết, gặp một số đồng nghiệp hàn huyên về thời sự chính trị đang chuyển biến, nhưng ngầm hiểu quan điểm ở mỗi người, được giác ngộ và hành động theo đầu mối tổ chức của riêng mình. Bất thình lình Ngô Đức Tốn bị cơn bệnh đột ngột, chết tại nhà thương Phan Thiết ngày 23/6/1931(2) và được đồng nghiệp chôn cất, có làm bia ghi “Á Khiêm Ngô Đức Tốn chi mộ”, ở nghĩa địa Bia Đài. Tức trước ngày 15 - 20/9/1931 địch sai Lãnh binh Phan Gia Chung cầm đầu đội lính mã tà vào Tam Tân khủng bố, bắt hầu hết hội viên Phản đế Đồng minh. Trong đó có một số đảng viên Chi bộ Tam Tân, tất cả bị đưa về Nhà Lao Phan Thiết. Từ đó coi như hoạt động của Chi bộ Đảng Tam Tân gặp khủng hoảng, bỏ dở kế hoạch hợp đồng với các nhóm Cộng sản ở Phan Thiết - Hàm Thuận chủ trương phát động.

Từ phản đế đến Chi bộ Đảng Tam Tân

Tháng 6/2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận có tổ chức Hội thảo về sự kiện Lịch sử Đảng bộ để bổ sung cho Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh lần 2. Đây là một việc làm mang tính khoa học và chuyên nghiệp, bởi nhiều ấn phẩm liên quan trước đó còn nhiều căn cứ từ nguồn tư liệu, sự kiện, thời gian… chưa phù hợp.

Tại làng Tam Tân thầy giáo Ngô Đức Tốn vận động, giác ngộ nhận thức cho người dân ở đây tinh thần yêu nước và phải đấu tranh với thực dân phong kiến. Được hưởng ứng mạnh mẽ, Hội Phản đế Đồng Minh ra đời với 30 người. Chỉ trong thời gian ngắn, Ngô Đức Tốn xây dựng được 6 hội viên từ Hội Phản đế Đồng minh có tư tưởng rõ ràng, đồng tình với cuộc đấu tranh mới. Khoảng cuối năm 1930, cuộc họp bí mật diễn ra ở một sườn đồi cát cao có tên Dốc Ông Bằng, nằm cạnh ngảnh Tam Tân. Cuộc họp thông qua chương trình hành động, những quy định nội bộ và tin tưởng vào con đường cách mạng của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Toàn thể đảng viên Chi bộ gồm có Lê Thanh Lư, Lê Chạy, Hồ Vũ, Cao Có, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Gia Bát và đề cử Ngô Đức Tốn làm bí thư, đồng thời phân công các phần việc cụ thể cho từng đảng viên. Theo ông Ngô Đức Đệ xác nhận trong hoàn cảnh cùng lúc bấy giờ các tổ chức Đảng đã hợp nhất, nhưng các địa phương trong quá trình phát triển đảng viên vẫn còn hoạt động riêng lẻ, vận dụng theo tình thế.                                      

Do từ thời niên thiếu Ngô Đức Tốn sống cạnh người bác ruột là chí sĩ Ngô Đức Kế, đỗ tiến sĩ năm 19 tuổi nhưng từ bỏ quan lộ, chức tước triều đình mà quay qua hoạt động ủng hộ phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Ông còn là một trong những trí thức lớn của xứ Nghệ. Được gần gũi với người bác ruột Ngô Đức Kế, Ngô Đức Tốn đã có điều kiện hấp thụ những tư tưởng tiến bộ, tư duy tổ chức và dự báo cục diện chính trị trong nước đang diễn ra.

Chân dung người anh của Ngô Đức Tốn

Cho đến năm 1996, tôi có dịp ra Hà Nội, với tư cách cá nhân đã đến nhà số 2 Thụy Khuê, quận Tây Hồ của ông Ngô Đức Đệ. Không mấy bất ngờ vì tôi từng có thư trao đổi cùng ông nhiều lần theo yêu cầu thu thập nguồn tư liệu về gia thế của Ngô Đức Tốn. Căn nhà không rộng mấy nhưng hết gần nửa gian cạnh phòng khách, ông đã lập một “bảo tàng” bằng đá thu nhỏ với những hiện vật khắc họa biểu tượng nhân vật anh hùng của lịch sử dân tộc… Đứng bên ông, tôi rất xúc động trước một ông già quắc thước, nhưng còn minh mẫn ở tuổi 91, với thương tật do hậu quả bị tra tấn, tù đày nên tàn phế cánh tay trái, cử động khó khăn. Tôi có thêm những chi tiết khá thú vị về gia thế của họ tộc Ngô Đức ở Can Lộc, Hà Tĩnh với một vị thế trong lịch sử văn hóa và tinh thần yêu nước đáng ngưỡng mộ. Trong gia phả Chi 9 phái thử 3 họ Ngô có nhắc đến tên ông nội của Ngô Đức Đệ, Ngô Đức Tốn là Tả tham tri bộ lễ Ngô Huệ Liên, sinh ra 4 người con trai, Ngô Đức Kế (là Bác), Ngô Đức Thiệu (là Cha) và Ngô Đức Vóc, Ngô Đức Diễn… Người cha của hai ông là Ngô Đức Thiệu, một chiến sĩ kiên cường trong phong trào Văn Thân chống Pháp bị cầm tù khổ sai 15 năm và chết tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Lúc đó Ngô Đức Tốn vừa sinh ra (1908). Mẹ ông, bà Phan Thị Thuận phải tảo tần nuôi 3 người con thơ dại 1 gái 2 trai, có những bữa ăn chỉ nấu cháo thay cơm nhưng các con vẫn được cắp sách đến trường. Hai anh em Ngô Đức Đệ và Ngô Đức Tốn được sống trong một gia thế có nền tảng tri thức, giàu lòng yêu nước nên sớm giác ngộ tìm đến con đường lý tưởng cách mạng đáp ứng được giai đoạn lịch sử đất nước. Đó là sự kiện hợp nhất 3 Đảng Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn (tiền thân Đảng Tân Việt) thành một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thành lập vào ngày 3/2/1930.

Trong tập Hồi ký “Từ Hà Tĩnh đến Nhà Đày Kon Tum” của Ngô Đức Đệ do Sở VHTT-TT tỉnh Kon Tum ấn hành năm 1995, dày 160 trang. Nội dung hầu như nói đến tình trạng lao tù với những biện pháp giam cầm khắt khe, hung bạo nhưng đây cũng là động lực cho ông thực hiện được hoài bão và ý chí của một chiến sĩ chấp nhận hy sinh. Ngô Đức Đệ người mang số tù 358, từ án tù 3 năm tăng lên tử hình. Nguyên nhân, tù nhân chính trị phần nhiều từ các tỉnh miền Trung dồn về đây, không thể cam chịu sự hà khắc, tàn ác của chế độ lao tù nên bất chấp đàn áp vẫn liên tiếp nổi dậy nhiều cuộc đấu tranh đẫm máu. Với khẩu hiệu “Chết một để cứu sống mười”, coi đó là mệnh lệnh trái tim của người Cộng sản. Bản án tử hình từ Nhà Đày Kon Tum dành cho ông vì cho ông là người chỉ huy, nhưng sau đó Tòa khâm hạ mức án xuống khổ sai chung thân. Quả thật ông là người kiên nghị, dũng cảm và một lòng vì lý tưởng cách mạng. Ngô Đức Đệ có sự quyết đoán và có tài tổ chức đã cảm hóa được một số cai tù, lính canh ngục… và lập một Chi bộ Đảng ngay trong nhà tù, từ việc thành lập nhóm ái hữu giúp nhau tiến bộ trong sinh hoạt rồi nâng trình độ giác ngộ chính trị cho bạn tù. Từ ban đầu, xác định quyết tâm với lý tưởng cách mạng như Huỳnh Đặng Thơ (Đội nhì), Huỳnh Liễu (Cai nhất), Nguyễn Cừ (Cai nhì) và được kết nạp đầu tiên. Tại phòng giam của ông diễn ra cuộc họp bí mật ngày 25/9/1930 và tiếp tục phát triển dần lên 10 đồng chí, tiến tới hình thành Chi bộ Đảng lấy tên là Chi bộ Binh do Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Năm 2020 Tỉnh ủy Kon Tum công nhận là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum và lấy ngày này là ngày truyền thống Đảng bộ của tỉnh(3).

Sự trùng hợp lịch sử

Qua ông Ngô Đức Đệ và những tư liệu liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của ông trong giai đoạn cao trào Xô Viết Nghệ tỉnh và một số tỉnh miền Trung có ghi dấu chân ông… Có sự trùng hợp trong thời gian bị giam ở Nhà tù Kon Tum, năm 1926 ông hoạt động trong tổ chức Phục Việt, rồi Nam Hưng, đổi ra Tân Việt và đến tháng 1/1930 là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Trong hồi ký ông có nhắc đến “Chi hội Phản đế” có ở Quy Nhơn cuối năm do y tá cao cấp Lê Xuân Định (Huế) tổ chức. Trong tù, ông đã ngấm ngầm tổ chức lực lượng đấu tranh, chống đàn áp, chế độ khổ sai lao động các công trường, phân chia lao ngoài, lao trong cắt đứt liên lạc nhau và trong đó có nhiều hội viên “Phản đế” làm nòng cốt.

Theo đó, ở Hàm Tân qua những biên bản làm việc, ghi chép của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Thuận Hải tháng 2/1977 với 2 đảng viên Lê Chạy, Nguyễn Hữu Lợi còn sống của Chi bộ Tam Tân (7 đảng viên), đã trên 70 tuổi, còn nhớ được một số sự kiện cơ bản nhưng về thời gian ra đời tổ chức quần chúng Hội Phản đế Đồng minh thì không phù hợp với diễn biến tình hình chung. Có lẽ do trải qua thời gian quá dài không nhớ hết. Nhưng qua tư liệu, khi đồng chí Dương Chước từ Ninh Hòa vào Bình Thuận và truyền đạt chủ trương của Trung ương mới có tổ chức Phản đế theo Chỉ thị của Trung ương Đảng về thành lập hội Phản đế Đồng minh chỉ có khoảng từ tháng 11/1930. Đây là cơ sở liên quan đến thời gian thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Tam Tân là cuối năm 1930 hoặc đầu năm 1931 là hợp lý. Nhưng lại trùng hợp với phương thức xây dựng lực lượng quần chúng nhằm mục tiêu “phản đế” của Ngô Đức Đệ ở nhà lao Kon Tum và Hội Phản đế của người em Ngô Đức Tốn ở làng Tam Tân. Cũng với tiền đề đó đã xây dựng 2 chi bộ Đảng đầu tiên là Chi bộ Binh ở Nhà tù Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và Chi bộ Đảng Cộng sản Tam Tân (Bình Thuận) mà cả hai anh em đều là người đứng ra tổ chức, xác lập vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự cấp thiết đối với phong trào cách mạng bấy giờ. Đây là điều kỳ diệu và hiếm có trong lịch sử.

Qua câu chuyện với ông Ngô Đức Đệ, ông kể về quãng thời gian dài anh em ông hoàn toàn không có mối liên lạc nào, cho mãi đến giờ mới biết ngày em mình đã mất, nhưng mồ mả ở đâu? Ông Ngô Đức Đệ bùi ngùi và sau đó có viết một bức thư cho Huyện ủy Hàm Tân với đề xuất, nếu mộ Ngô Đức Tốn thất lạc thì chỉ xin được một nấm đất nơi đó để đoàn tụ với họ tộc Ngô Đức quê nhà.

Có lẽ với những trang sử của mỗi địa phương đều đặt ra tiêu chí phải phản ánh, tái hiện được những sự kiện, dấu ấn lịch sử và không quên những bậc tiền bối đã thắp đuốc, tạo thời cơ cho phong trào cách mạng đến thành công. Như một cái duyên, tôi hoàn thành sơ thảo tiểu sử đồng chí Ngô Đức Tốn và tham khảo ý kiến của lão thành cách mạng Ngô Đức Đệ, đã hoàn toàn cho là chân thực về gia thế và để lại trong lòng ông niềm cảm xúc tự hào về người em trai của mình dù cách biệt nhau mà vẫn đi chung một con đường đầy thử thách, cam go của thời dựng Đảng.

(1): Tiểu sử Đồng chí Huỳnh Đặng Thơ - (trong Hồi ký THT ĐNĐKT); (2): Theo Hồi ký của Ngô Quang Minh, đăng trên báo Phụ Nữ Tân văn tháng 9/1931; (3): Trang TTĐT/Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

PHAN CHÍNH

Related articles
Bình Thuận khẩn trương sắp xếp tinh gọn bộ máy
Xác định cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là cuộc cách mạng không thể chậm trễ, tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bảo đảm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Trung ương với quyết tâm chính trị cao.

(0) Comments
Focus
Phát huy sức mạnh nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) được triển khai nhằm huy động sức mạnh nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Tại Bình Thuận, phong trào đã nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng của nhân dân trong bảo vệ sức khỏe, tài sản của chính mình. Nhân dân cũng tích cực đấu tranh, tố giác hành vi phạm pháp, góp phần quan trọng đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội…
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngô Đức Tốn - từ gia thế truyền thống thời dựng Đảng